Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi sự hài lòng tăng lên...

Minh Thúy| 28/10/2018 06:34

(HNM) - Những năm gần đây, mạng lưới y tế ở nước ta đã phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc phát triển cả về số lượng và chất lượng.


Song, sự biến chuyển này chưa đồng đều và chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân. Ngành Y tế vẫn còn không ít “điều tiếng” với nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó có thể thấy rõ nhất là hệ thống tổ chức y tế "đông nhưng chưa mạnh", hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục. Thái độ phục vụ thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ y tế vẫn còn... Đặc biệt, người dân chưa có niềm tin với y tế tuyến dưới bởi chất lượng khám, chữa bệnh không cao; cơ sở hạ tầng cùng trang thiết bị y tế nghèo nàn...

Với quan điểm “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển”, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TƯ (ngày 25-10-2017) về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới". Nghị quyết nhấn mạnh, phải nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe...

Muốn đạt mục tiêu đó, không có cách nào khác là cả hệ thống y tế phải chuyển động, phải làm cuộc cách mạng toàn diện và đồng bộ.

Cách mạng trước tiên phải từ con người. “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” - Mỗi người làm nghề phải luôn tâm niệm, học và rèn mình; cần loại bỏ suy nghĩ coi người bệnh là khách hàng để kiếm tìm lợi nhuận. Mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y cần đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh để đồng cảm và tận tụy vì họ. Khi sự tận tụy trở thành ý thức tự thân thì thái độ phục vụ, sự cầu tiến trong nghề nghiệp của mỗi người cũng sẽ tích cực hơn... Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương trong ngành Y tế cũng phải tăng cường để bảo đảm y đức luôn là khuôn mẫu được thực hiện triệt để mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài yếu tố con người, việc trang bị máy móc, thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng cũng phải được đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng vùng, miền. Nguồn lực cho sự đầu tư này là những cú hích từ cơ chế tài chính trong việc đẩy mạnh sự tự chủ, xã hội hóa, hợp tác, liên kết của các cơ sở y tế... Khi cả máy móc và con người đều bảo đảm, chắc chắn người bệnh sẽ khám, chữa đúng tuyến chứ không đổ dồn về tuyến cuối cho an toàn như hiện nay.

Y tế cơ sở hiện là mạng lưới rộng khắp, bao trùm và gần dân nhất, nhưng không mạnh. Bất cập này bắt nguồn từ nhận thức chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc, là căn bản. Do đó, tư duy này cần được thay đổi sâu sắc trong hành động và trong phương thức quản lý của ngành Y. Chỉ khi xây được nền móng vững chắc thì mới mong xóa được sự quá tải, mới hy vọng mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe…

Ngày 31-12-2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, trong đó nhấn mạnh tới 65 đề án, nhiệm vụ nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Theo đó, yêu cầu đặt ra là xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe...

Thực hiện tốt các nhiệm vụ đó là yêu cầu tự thân, cấp bách đối với ngành Y tế.

Những cố gắng đổi mới của ngành Y tế trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ cũng cho thấy một bài học giá trị: Khi sự hài lòng của người bệnh tăng lên thì tồn tại, thách thức sẽ vợi bớt. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi sự hài lòng tăng lên...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.