Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi phụ nữ dân tộc thiểu số “bứt phá”

Quỳnh Dương| 21/10/2018 07:16

(HNM) - Nếu như trước đây, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thường ít có tiếng nói trong việc quản lý tài chính dù họ cũng là thành viên chủ chốt tạo ra nguồn lực kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, thực trạng này đang dần được cải thiện nhờ nhiều dự án nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ thời gian vừa qua.


Với nguồn kinh phí 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) từ P&G, mục tiêu “Bứt phá” hướng đến trong thời gian 2 năm (2018-2019) là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số cải thiện an sinh thông qua việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng cường khả năng quản lý tài chính cho chi tiêu và sản xuất của gia đình.

Cụ thể, các thành viên tham gia dự án sẽ được tập huấn để thực hành mô hình “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” hay còn gọi là “Nhóm tiết kiệm thôn bản”.

Đây là quỹ tiết kiệm cho vay theo nhóm, mỗi nhóm gồm 15-30 thành viên, trong đó có Ban Thư ký gồm 5 người, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện - tự quản lý - tự chịu trách nhiệm. Các thành viên tham gia nhóm theo hình thức đóng cổ phần, được bắt đầu từ thời điểm gây quỹ và đều đặn khoảng 2 lần/tháng trong các buổi họp.

Trong năm, số tiền quỹ sẽ được sử dụng làm vốn vay, với mức lãi do nhóm quy định, cho các hội viên, ưu tiên cho mục đích phát triển sản xuất, chi tiêu cần thiết cho gia đình như ốm đau. Sau một năm, số tiền lãi từ các khoản vay sẽ được chia cho các thành viên tùy vào số lượng cổ phần mà họ đã mua, trước khi bắt đầu một chu kỳ hoạt động mới.

Chị Bùi Thị Xiểm (dân tộc Mường), tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, một thành viên của “Nhóm tiết kiệm thôn bản” cho biết, ban đầu do chưa hiểu biết về mô hình kinh tế tập thể cộng thêm tâm lý e ngại nên các chị em còn rụt rè, chưa mạnh dạn tham gia dự án. Nhưng sau 1 năm triển khai, hiện nhiều hội viên đã nhận thấy tác dụng cũng như tính linh hoạt, gọn nhẹ, an toàn, tin cậy và rất tích cực tham gia mô hình này.

Cùng với đó, “Bứt phá” còn lồng ghép nội dung cải thiện tình trạng mất bình đẳng giới tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo CARE quốc tế, năng lực quản lý tài chính được nâng cao không đồng nghĩa với sự cải thiện về bình đẳng giới trong gia đình.

Có nhiều trường hợp, người phụ nữ phải gánh vác khối lượng công việc lớn hơn, song không có quyền đưa ra quyết định trong gia đình, thậm chí bị bạo hành do dám đi ngược lại định kiến. Bởi vậy, “Nhóm tiết kiệm thôn bản” khuyến khích sự tham gia của cả những người đàn ông trong gia đình. Điều này tạo cơ hội để hai giới có thể trao đổi, thấu hiểu nhau nhiều hơn.

Chị Bùi Thị Hồng Thực, thành viên “Nhóm tiết kiệm thôn bản” tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, từ khi tham gia dự án, chị em phụ nữ tại địa phương ngày càng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ nhiệt tình của gia đình nhiều hơn từ khi các “ông xã” cùng tham gia nhóm. Dù mới triển khai được 1 năm, song hình thức sinh hoạt này đã đem lại cho các chị sự tự tin, nhất là khi đưa ra những quyết định trong gia đình.

Sau 1 năm triển khai tại 4 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn), "Bứt phá" đã thu hút gần 2.000 thành viên đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đây là cơ sở để dự án được nghiên cứu nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi phụ nữ dân tộc thiểu số “bứt phá”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.