Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi người dân đồng lòng chống dịch

Nhóm phóng viên| 11/09/2021 06:31

(HNM) - Xác định sự tham gia, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã huy động được sức mạnh nhân dân cùng tham gia bảo vệ sức khỏe cho mỗi gia đình và toàn cộng đồng. Người góp công, người góp của, mọi người cùng chung sức, đồng lòng để sớm chiến thắng dịch bệnh.

Thành viên “tổ liên gia tự quản tại chỗ” kiểm tra giấy đi đường của người dân ở khu vực ngõ 641 phố Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).

Mỗi người dân là một chiến sĩ

Đã thành thói quen, đến giờ trực chốt bảo vệ “vùng xanh”, bác sĩ về hưu Nguyễn Thị Minh (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) trang bị đầy đủ đồ bảo hộ phòng, chống dịch như khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn… để có mặt tại chốt ở khu vực trạm xăng xóm Bãi, xã Cổ Loa. Bà Nguyễn Thị Minh cho biết: "Theo tinh thần Công điện số 20/CĐ-UBND của thành phố, chúng tôi thuộc vùng 2, là "vùng vàng", nên để bảo đảm an toàn dịch bệnh, các chốt trực vẫn làm việc và kiểm soát chặt chẽ không cho người lạ vào địa bàn". Những thành viên tích cực như bà Minh đã góp phần giúp cho Cổ Loa trở thành một trong 6 xã “vùng xanh” an toàn dịch bệnh của huyện Đông Anh.

Tại quận Hai Bà Trưng, mô hình “tổ liên gia tự quản tại chỗ” ở phường Vĩnh Tuy có đóng góp không nhỏ của những người dân địa phương. Ở ngõ 641 phố Kim Ngưu (phường Vĩnh Tuy), lịch trực theo “tổ liên gia tự quản tại chỗ” được phân công đến từng nhà theo 3 khung giờ, kéo dài từ 6h đến 20h hằng ngày. Anh Nguyễn Trung Hiểu, người dân ở ngõ 641 phố Kim Ngưu, chia sẻ: "Chúng tôi hiểu mô hình tự quản tại chỗ là giúp bảo vệ an toàn cho chính gia đình mình. Công tác trực chốt không gặp khó khăn khi hơn hai chục hộ dân trong ngõ đã biết nhau nên việc kiểm soát người ra vào khu dân cư rất chặt chẽ".

Không chỉ là những chiến sĩ bảo vệ "vùng xanh", giữ vững an toàn dịch bệnh, nhiều người dân Thủ đô còn thể hiện tinh thần sẻ chia, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng mô hình “Mái ấm mùa dịch” của UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên), chị Lưu Thị Luyến (tổ 18 phường Thượng Thanh) đã giảm 100% tiền thuê phòng trọ cho 12 gia đình. Không những vậy, chị Luyến còn trồng rau để giúp đỡ lao động thuê trọ. Chị Thân Thị Hồng Len (huyện Ba Vì) thuê trọ nhà chị Luyến từ nhiều năm nay, nói: "Tôi được chị Luyến giúp đỡ nhiều trong thời gian ở trọ nhà chị. Nay chị Luyến lại miễn tiền thuê phòng, tôi rất phấn khởi và cảm kích trước tấm lòng của chị trong lúc dịch bệnh khó khăn này".

Mô hình “Bếp ăn 0 đồng” của UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng thu hút đông đảo nhân dân tình nguyện tham gia. Nhờ vậy, từ lúc ban đầu nấu được 100-120 suất cơm, đến nay “Bếp ăn 0 đồng” đã nâng lên 200 suất cơm/ngày, phát đến người cao tuổi neo đơn, các hoàn cảnh khó khăn, người lao động tự do mất việc làm trên địa bàn. Anh Trần Thế Trường, một trong những tình nguyện viên tích cực ngay từ những ngày đầu “Bếp ăn 0 đồng” đỏ lửa, bộc bạch: "Chúng tôi chỉ mong đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc chống dịch của thành phố để dịch bệnh sớm được đẩy lùi".

Người dân cùng đại diện các chi hội, đoàn thể phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) tham gia mô hình “Bếp ăn 0 đồng”.

Cùng xây dựng "pháo đài chống dịch"

Nhiều việc làm kịp thời, ý nghĩa của những cá nhân tích cực đã lan tỏa trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) Hoàng Văn Lực cho biết, mô hình “Mái ấm mùa dịch” của phường Thượng Thanh đã được hơn 250 hộ dân có nhà cho thuê trọ trên địa bàn hưởng ứng, với tổng số tiền thuê trọ được miễn, giảm là gần 400 triệu đồng trong tháng 7 và 8-2021. Kịp thời ghi nhận nghĩa cử của người dân, nhiều cá nhân tích cực thực hiện mô hình “Mái ấm mùa dịch” đã được UBND quận Long Biên khen thưởng. Từ đây, phường Thượng Thanh tiếp tục phát động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là giúp đỡ người còn khó khăn trên địa bàn.

Huy động nhân dân tham gia tổ tự quản, các chốt trực để giữ vững và mở rộng "vùng xanh" là nhiệm vụ được các địa phương đặc biệt chú trọng. Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) Nguyễn Kim Nhật, xã sẽ phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, nòng cốt là nhân dân các thôn xóm để tiếp tục xây dựng, củng cố các "pháo đài" chống dịch vững chắc, an toàn. Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho hay, thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ và tiếp tục tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.

Còn theo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung, từ mô hình "tổ liên gia tự quản tại chỗ" của phường Vĩnh Tuy, quận khuyến khích các phường nghiên cứu nhân rộng việc tự quản theo tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư, ngõ, phố… Đặc biệt, các phường tập trung vận động các hộ dân tự quản lý tại chỗ, bảo đảm giãn cách xã hội để mỗi tòa chung cư, cụm nhà chung cư, mỗi ngõ phố và từng gia đình thực sự là một "pháo đài" chống dịch.

Khi người dân chung sức, đồng lòng cùng thành phố thực hiện các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh, chắc chắn một ngày không xa cuộc sống sẽ trở lại trạng thái bình thường mới.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người dân đồng lòng chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.