Ca sĩ Hồng Ngọc trong chương trình Nhịp Điệu Trẻ lần 1Nói cho đúng, đứng trước cơ chế đang chuyển đổi mạnh và hệ thống tư duy kinh tế dần dần định hình, thì giọng hát của ca sĩ hẳn nhiên đã trở thành hàng hóa. Lẽ dĩ nhiên đó là một thứ hàng hóa tinh thần có thương hiệu và có giá trị đối với khách hàng (khán giả). Sự hình thành những cái tên (giọng hát nổi tiếng) đã đem lại lợi nhuận cho rất nhiều đối tượng như nhà tổ chức, rạp hát, ca sĩ và các cơ quan thuế, bản quyền, nhạc sĩ... Vậy mà, lâu nay người ta cứ tỏ ra khó chịu với những bảng cat -sê cao giá của những ca sĩ nổi tiếng. Vì sao vậy? Họ đòi hỏi sự công bằng ư? Công bằng cho ai? Khi khán giả tự nguyện đến mua vé để nghe họ hát...
Ca sĩ Hồng Ngọc trong chương trình Nhịp Điệu Trẻ lần 1 |
Nói cho đúng, đứng trước cơ chế đang chuyển đổi mạnh và hệ thống tư duy kinh tế dần dần định hình, thì giọng hát của ca sĩ hẳn nhiên đã trở thành hàng hóa. Lẽ dĩ nhiên đó là một thứ hàng hóa tinh thần có thương hiệu và có giá trị đối với khách hàng (khán giả). Sự hình thành những cái tên (giọng hát nổi tiếng) đã đem lại lợi nhuận cho rất nhiều đối tượng như nhà tổ chức, rạp hát, ca sĩ và các cơ quan thuế, bản quyền, nhạc sĩ... Vậy mà, lâu nay người ta cứ tỏ ra khó chịu với những bảng cat -sê cao giá của những ca sĩ nổi tiếng. Vì sao vậy? Họ đòi hỏi sự công bằng ư? Công bằng cho ai? Khi khán giả tự nguyện đến mua vé để nghe họ hát...
Thật ta, thị trường âm nhạc trên thế giới từ lâu luôn luôn khẳng định giá trị to lớn của thứ hàng hóa tinh thần đặc biệt này. Nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, thể thao... bao giờ cũng có những cat xê đến "ngút trời" đối với những ngôi sao lớn. Bởi lẽ từ những gương mặt ấy mà lợi nhuận sinh sôi. Hàng hóa của họ, những nhà sản xuất đã đem lại những giá trị tinh thần lớn lao sâu sắc trong tâm trí người xem. Những hình tượng nghệ thuật của các nghệ sĩ đã xây dựng được những phong trào họat động xã hội hoặc những ý thức cấp tiến, thậm chí còn dẫn tới sự lóe sáng hệ thống tư duy mạnh mẽ có ích cho sự tiến bộ của xã hội. Đó là hệ quả của những họat động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao và đã ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực văn hóa giải trí. Và ở đó, các ngôi sao hoặc các siêu sao bao giờ cũng là một loại hàng hóa quý hiếm và được trả giá thỏa đáng.
Ở nước ta, những họat động ca nhạc cũng đang cuốn theo quy luật của giá trị hàng hóa này. Cách đây mươi năm, giá trị của một giọng hát sao, cỡ Ngọc Sơn có lẽ cũng chỉ 300.000đ là hết cỡ, còn lại là ca sĩ xịn khác, cũng chỉ vài chục cho đến một trăm ngàn. ấy thế rồi tốc độ thị trường ca nhạc phát triển như cơn lốc theo quy luật cung cầu của hàng hóa, nên tính đến nay có giọng hát được tăng cat sê lên tới 20.000.000đ không phải là chuyện hiếm. Thậm chí có ông bầu đã phải đồng ý chia đôi giá trị lãi của một đêm diễn để cho một ca sĩ ăn khách nhất trong thời điểm cách đây 5 năm. Lẽ dĩ nhiên, giọng hát ca sĩ này rất đặc biệt và anh ta đã cùng với người em biểu diễn tới gần nửa chương trình đêm diễn. Trong một chương trình gần đây nhất ở Hà Nội, ta có thể thấy rõ sự chênh lệch về cat xê của hai giọng hát, một già một trẻ, đó là Hồng Nhung và NSND Thu Hiền. Hồng Nhung có cat sê hơn 10.000.00đ trong khi đó NSND Thu Hiền chỉ có giá 500.000đ. ấy là còn chưa kể những chi phí cho việc đi lại ăn ở các ca sĩ Hồng Nhung cho các đêm biểu diễn. Đó là một sự chấp nhận khá quyết liệt, hay có thể nói đó là sự hình thành một quy luật hàng hóa tất yếu trong thị trường âm nhạc. Chính quy luật này đã thúc đẩy phong trào ca nhạc phát triển khá ồ ạt. Nhiều giọng hát mới xuất hiện với những khát vọng trở thành sao để mong đạt được giá trị cat xê thỏa đáng. Chưa bao giờ tốc độ phát triển ca nhạc nhẹ lại sôi nổi như hiện nay. Nhiều ca sĩ trẻ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để tổ chức các chương trình độc diễn (live show), hàng chục trung tâm tư nhân và Nhà nước ký hợp đồng độc quyền với các giọng hát trẻ có tài để kinh doanh giọng hát, bằng các loại hàng như CD, VCD, DVD, Single CD, Video Clip và các đêm biểu diễn ngòai trời. Sự thóat xác này của thị trường âm nhạc đã trở thành hiện thực và các chủng loại hàng hóa xoay quang giọng hát ca sĩ đã trở thành một thương hiệu có lãi xuất cao. Do vậy, các ca sĩ đứng trước quyền lợi của mình đều thấy việc đòi nâng giá cat sê là chính đáng.
Giờ đây, nhiều người phát hoảng khi thấy nhiều ca sĩ sao đòi tăng cat sê hoặc giữ giá cat sê không chịu rút trong các chương trình ca nhạc mang ý nghĩa xã hội mà đòi hỏi họ cần có nghĩa vụ đóng góp. Lẽ dĩ nhiên đó là ý thức công dân của nghệ sĩ còn chưa được nâng cao một cách sâu sắc, nhưng thử hỏi đứng trước những món tiền lớn được tài trợ cho đêm diễn và những thang lợi nhuận từ đêm diễn vẫn tăng thì hà cớ gì họ lại phải xin hạ bớt cat sê. ấy là những chuyện khó xử trong mối quan hệ giữa nhà tổ chức (ông bầu) và các giọng hát sao. Bởi lẽ họ đã quá hiểu về lợi ích được khai thác từ nhau vì cả hai phía.
Tuy nhiên, phải nói nhiều ca sĩ nổi tiếng đều có ý thức đóng góp với xã hội tốt. Họ đến hát ở các đêm diễn từ thiện với nhiều ý thức đóng góp tốt như Ngọc Sơn, Phương Thanh, Mỹ Tâm, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Thảo, ánh Tuyết.... Một số ca sĩ đã thường xuyên làm công tác từ thiện và có mối quan hệ tốt với các Fan của mình. Ca sĩ Ngọc Sơn đã quyết định sáng lập quỹ tình thương của riêng mình mang tên "Quỹ tình thương Ngọc Sơn" nhằm giúp đỡ người nghèo chữa bệnh. Mỗi tháng anh bỏ ra 20 triệu đồng để làm công việc từ thiện. Mới đây, ca sĩ Mỹ Tâm cũng bỏ toàn bộ doanh thu trong đêm diễn của mình để dành cho các em nhỏ nghèo khuyết tật nhân ngày Quốc tế thiếu nhi.
Do vậy, những họat động xã hội tích cực của những ngôi sao ca nhạc cũng nằm trong quy luật hàng hóa để quảng bá cho thương hiệu của mình. Cái cho và nhận ở đây hết sức sòng phẳng. Nên việc đòi hỏi một bảng giá cat sê thật bình đẳng hoặc vừa phải luôn luôn phụ thuộc vào nhu cầu của người xem và sự năng động của các nhà tổ chức. Cũng như nền bóng đá chuyên nghiệp của ta còn dở dang, còn mô hình chuyên nghiệp nửa vời, nên chưa sống được bằng việc bán vé mặc dù có cần thủ nội của ta có bảng "cat sê" tới 25.000.00đ. Và giờ đây ta thử hỏi khi trương một cái tên ca sĩ nào đó không thật sự được yêu thích thì liệu có người đến mua vé không. Thực tế này, chắc các ông bầu thấu tỏ và nhiều phen điêu đứng vì sự mè nheo đòi hỏi của các ngôi sao. Vậy thì, có nên đánh giá họ quá đáng hoặc không có ý thức trong khi những họat động ca nhạc hiện nay vẫn còn nằm trong tay các ông bầu "show" làm ăn vì túi tiền của mình.
Các ca sĩ luôn luôn có ý thức đánh giá đúng giá trị thương hiệu của mình, ngoại trừ một số ca sĩ trẻ ngỡ mình là sao mới đòi hỏi quá mức, nên đã là sự thỏa thuận (hoặc hợp đồng) trong thị trường thả lỏng hiện nay thì bao giờ cũng là sự thỏa thuận. Còn việc đánh giá đúng nó là bao nhiêu, giọng hát này giọng hát kia phải trả cat sê ngần nào mới thỏa đáng, mới chuẩn mực chỉ trừ khi cơ chế thị trường âm nhạc này tự nó không còn sức thu hút người xem và các tổ chức nhà nước còn lơ là vai trò của mình.
Ngọc Khanh