Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi “đầu ra” không còn là mối lo

Đỗ Minh| 04/10/2013 06:17

(HNM) - Là một trong những vùng rau an toàn (RAT) có mức tiêu thụ ổn định nhất của Hà Nội, sản phẩm RAT xã Văn Đức (Gia Lâm) đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Vùng RAT Văn Đức cũng là mô hình điểm được Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Thủ đô triển khai sản xuất theo chuỗi khép kín, được gắn nhãn nhận diện đầu tiên của Hà Nội.

Những tháng cuối năm là lúc Văn Đức xuất rau bán đi các thị trường nhiều nhất. Song thời gian qua, mưa bão liên tục xảy ra khiến rau không phát triển, nguồn hàng trở nên khan hiếm. Chủ nhiệm HTX Văn Đức Hứa Đức Nhị khẳng định: Văn Đức chưa bao giờ phải lo về đầu ra như những vùng RAT khác. Từ khi hình thành, vùng RAT Văn Đức luôn bảo đảm được đầu ra cho nông dân. Với 300ha sản xuất RAT, gồm đủ các loại rau ăn lá và rau lấy củ, quả, thu hút hơn 1.000 hộ nông dân tham gia. Trung bình mỗi năm, Văn Đức xuất bán trên 20.000 tấn RAT các loại. Hiện thu nhập bình quân từ trồng RAT đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Nhờ phát triển RAT, địa phương đã sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Trong 300ha sản xuất RAT, có 25ha được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap và được Công ty TNHH Hương Cảnh sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX có gần 30 đầu mối thu mua ổn định cho nông dân. Sản phẩm RAT Văn Đức không chỉ được bán tại các cửa hàng, siêu thị của Hà Nội, mà còn được bán tại nhiều tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế… Hiện toàn xã có trên 30 xe ô tô tải chuyên vận chuyển, phân phối RAT. Ông Nhị chia sẻ: Mới bước vào sản xuất RAT, nhiều nông dân lo ngại do quy trình canh tác nghiêm ngặt, sản phẩm bán ra bấp bênh. Để thuyết phục nông dân tham gia mô hình, Ban chủ nhiệm HTX Văn Đức đã chủ động tìm nguồn tiêu thụ và dựa vào nhu cầu thời vụ mà sản xuất các loại rau khác khau. Đối với miền Bắc, vụ đông là thế mạnh để các địa phương triển khai trồng rau màu, trong khi đó miền Trung lại xảy ra mưa nhiều, nguồn rau khan hiếm. Ban chủ nhiệm HTX đã đi giới thiệu khắp các tỉnh bạn, dần dần tạo thành những mối tiêu thụ hàng ổn định. Ngoài việc bán buôn cho các tỉnh, các chợ đầu mối, Văn Đức liên kết chặt chẽ với Sàn giao dịch rau quả sạch an toàn của thành phố, các điểm bán RAT ở nội thành. Đặc biệt, từ cuối năm 2012, RAT Văn Đức đã xuất sang cả thị trường Đài Loan.

Ngoài việc tạo lập thị trường, quảng bá sản phẩm, Văn Đức luôn chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng RAT. Dù có kinh nghiệm trồng rau lâu đời nhưng khi tham gia mô hình sản xuất RAT, nông dân Văn Đức ý thức rất rõ, muốn sản xuất phát triển bền vững thì vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Các hộ nông dân tham gia sản xuất RAT đều được HTX lập sơ đồ từng khu ruộng để chỉ đạo sản xuất theo đúng quy trình. Cứ 20-30 hộ được HTX lập thành một nhóm và bình bầu trưởng nhóm. Trưởng nhóm có nhiệm vụ giám sát quy trình sản xuất rau của nông dân. Cán bộ chuyên môn của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cũng trực tiếp tham gia giám sát quá trình sản xuất RAT của các hộ, nhóm. Hằng năm, Chi cục BVTV đều tổ chức 2-3 lớp tập huấn về sản xuất RAT cho nông dân, qua đó giúp nông dân củng cố kiến thức, nhận rõ trách nhiệm của mình với xã hội khi cung ứng các mặt hàng nông sản. Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, ngoài việc cử cán bộ chuyên môn giám sát, Chi cục còn phối hợp với Thanh tra Sở, các đoàn liên ngành kiểm tra trực tiếp tại các vùng rau.

Tuy nhiên, giống như nhiều vùng RAT khác của Hà Nội, giá RAT của Văn Đức cũng chỉ cao hơn so với giá rau thường không đáng kể. Không những vậy, sản xuất rau, màu bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết, nhất là mưa, bão, vì vậy ngành nông nghiệp cần xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới tiêu tốt tại các vùng RAT, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi “đầu ra” không còn là mối lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.