(HNM) - Ngày 31-8, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã lấy ý kiến các Sở Tài nguyên và Môi trường; Tài chính, Tư pháp và nhiều cơ quan liên quan về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Điểm gây nhiều tranh cãi là những quy định về phí và thuế có hợp lý hay không, có gia tăng gánh nặng đối với người dân hay không.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Khánh, khi đánh thuế bảo vệ thực vật phải có cơ chế hỗ trợ giá cho nông dân, nếu thu phí vào hàng hóa sẽ khuyến khích các cơ sở gây ô nhiễm chạy theo lợi nhuận, sẽ có doanh nghiệp chấp nhận đóng phí cao để không áp dụng công nghệ "sạch". Do đó, luật cần bổ sung các điều, khoản khuyến khích người sản xuất và nhà đầu tư sử dụng công nghệ sạch.
Liên quan đến quy định về nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, đa số ý kiến không thống nhất khi dự thảo chỉ quy định 8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nhận xét "không đủ và thiếu công bằng", bởi rất nhiều sản phẩm khác cũng gây ô nhiễm môi trường mà chưa được đưa vào. Hiện Hà Nội và không ít địa phương đang có tình trạng nhập tràn lan thiết bị y tế có chất phóng xạ. Tại phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, người tiêu dùng chỉ cần bỏ tiền ra là có thể mua được hàng chục lít hóa chất độc hại. Đây là 2 nhóm hàng hóa cần đưa vào diện chịu thuế. Ông Nam cũng tỏ ra băn khoăn khi đọc hết dự luật mà chưa rõ mục đích của luật là hạn chế gây ô nhiễm hay tăng thu ngân sách và đề nghị phải xử lý điểm nghẽn này để khi luật có hiệu lực sẽ là công cụ tài chính hạn chế sử dụng chất gây hại môi trường mới đạt yêu cầu. Mặt khác, Chính phủ cần rà soát để bổ sung đối tượng chịu thuế dựa trên nguyên tắc đã là sản phẩm gây tác động tiêu cực đến môi trường thì phải thuộc diện chịu thuế và nên tính thuế suất theo tỷ lệ phần trăm giá thành để tránh tình trạng trượt giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.