Giao thông

Khép kín các tuyến vành đai Thủ đô:Tìm phương án gỡ vướng

Tuấn Lương 21/03/2024 - 06:29

Nguồn vốn đầu tư lớn cùng những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư… khiến nỗ lực khép kín các dự án đường vành đai của thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng của thành phố đang nghiên cứu các phương án gỡ vướng để từng bước hoàn thiện hệ thống đường vành đai theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

vanh-1.jpg
Thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Nhật Nam

Mới hoàn thành hơn 46% hệ thống đường vành đai

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5). Đây đều là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như các địa phương thuộc Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Dù đã rất nỗ lực, song theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới đường vành đai đến nay vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Cụ thể, trong tổng số 285,46km của 7 tuyến đường vành đai, đến nay, thành phố Hà Nội mới hoàn thành được 132,26km (tương ứng 46,33%); đang đầu tư xây dựng 20,51km (tương ứng 7,18%); đang triển khai chuẩn bị đầu tư 83,26km (tương ứng 29,16%); còn lại 49,43km (tương ứng 17,33%) chưa được nghiên cứu để hình thành dự án.

Trong 7 tuyến đường vành đai, tuyến Vành đai 1 là trục chính đô thị quan trọng kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội, với tổng chiều dài 7,21km. Tuy nhiên đến nay, trong khi các đoạn Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt kéo dài tới Xã Đàn - Hoàng Cầu đã hoàn thành thì đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (dài hơn 2,2km) vẫn đang là “nút thắt” cuối cùng cần tháo gỡ, để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tuyến Vành đai 2 có lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - cầu Nhật Tân - cầu Đông Trù - cầu chui Gia Lâm - phố Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy, với tổng chiều dài 39km. Đến nay, tuyến vành đai này đã hoàn thành 32,46km, còn lại 6,54km đang trong giai đoạn đầu tư và chuẩn bị đầu tư.

Tuyến Vành đai 3 theo quy hoạch dài 68km, đến thời điểm này đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì - Linh Đàm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng đến cầu Thăng Long, với tổng chiều dài 54km, trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội. Hiện tuyến vẫn còn 14km, tương ứng với đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài chưa có dự án đầu tư để khép kín toàn tuyến. Trong khi đó, các dự án Vành đai 2,5 và 3,5 cũng đang triển khai từng đoạn. Đường Vành đai 4 đang đầu tư xây dựng. Đường Vành đai 5 đoạn thuộc địa phận Hà Nội theo quy hoạch dài 48km, đến nay mới hình thành được 22km đoạn đi qua thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất.

vanh-2.jpg
Thi công hầm chui tuyến đường Vành đai 2,5 tại nút giao với đường Giải Phóng. Ảnh: Phạm Hưng

Đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong những năm qua, song nhiều người dân cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, sớm khép kín các tuyến đường vành đai, đặc biệt là trong khu vực nội đô. “Tuyến Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy qua Minh Khai - Đại La - Trường Chinh kéo dài tới Ngã Tư Sở cả trên cao và dưới thấp đã khá đồng bộ nhưng lại đang “nghẽn” ở đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (trùng với đường Láng, dài khoảng 4km). Nút Ngã Tư Sở sau khi điều chỉnh tổ chức giao thông đã thông thoáng hơn nhưng đoạn từ Ngã Tư Sở đến cuối đường Láng vẫn đang ùn tắc nghiêm trọng. Sớm mở rộng theo quy hoạch, thông được đoạn tuyến này thực sự đang là mong mỏi của nhân dân”, ông Nguyễn Văn Đức (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) nêu.

Phân kỳ đầu tư, bảo đảm tính khả thi

Lý giải nguyên nhân đến nay Hà Nội mới chỉ hình thành được 46,33% hệ thống đường vành đai, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho rằng, kinh phí ngân sách đầu tư rất lớn, chỉ tính riêng đối với hơn 83,26km đang chuẩn bị đầu tư (cho 5 đoạn tuyến của Vành đai 3,5 và Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội), vốn đầu tư công cần bố trí khoảng 53.574 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số đoạn tuyến đường vành đai còn lại có khối lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn, nhất là đoạn đi qua các khu dân cư hiện hữu, kéo theo kinh phí đầu tư cao; ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định xã hội cũng như tiến độ triển khai các dự án.

Liên quan đến “điểm nghẽn” Hoàng Cầu - Voi Phục trên tuyến Vành đai 1, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội Đỗ Việt Hưng cho biết, theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến dự án không thể thi công xuyên suốt và bị kéo dài thời gian thực hiện. Hiện chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND các quận Ba Đình, Đống Đa tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình ngầm, nổi, cây xanh... Đến nay, ban cũng đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây dựng để triển khai thi công đồng thời với giải phóng mặt bằng. Dự kiến, phần đường sẽ cơ bản hoàn thành trong quý I-2025.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, căn cứ tình hình thực tiễn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, sắp xếp nguồn vốn đầu tư, Sở đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội định hướng triển khai đầu tư những đoạn tuyến còn lại của các dự án đường vành đai.

Trong đó, với Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội nghiên cứu, xem xét phân kỳ đầu tư theo hướng đến năm 2025 triển khai trước để hoàn thiện 2 nút giao thông (nút giao với đường Nguyễn Chí Thanh và nút giao với đường Láng Hạ - Giảng Võ). Việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án sẽ được tiếp tục thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo.

Đối với Vành đai 2, Sở đề xuất UBND thành phố xem xét giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nghiên cứu phương án hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, trong đó có cả đường trên cao để làm cơ sở triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

vanh-3.jpg
Cầu Vĩnh Tuy trên tuyến đường Vành đai 2 tăng khả năng kết nối giữa hai bờ sông Hồng. Ảnh: Lê Khánh

Với 14km đường Vành đai 3 chưa hình thành, đề nghị UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai khép kín toàn tuyến…

Đối với việc triển khai tuyến đường Vành đai 4, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, xác định đây là dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, ngay sau lễ khởi công (tháng 6-2023), chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu và địa phương có dự án đi qua đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ. Đến nay, dự án cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Tại dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn thuộc địa phận Hà Nội, các nhà thầu đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc..., tổ chức 32 mũi thi công. Dự kiến, đoạn 13km phía Bắc sông Hồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024; đoạn 19km thuộc địa bàn huyện Hoài Đức đến giữa năm 2025 cũng sẽ xong đường song hành. Các nhà thầu thi công đoạn khác cũng phấn đấu tiến độ tương tự. Riêng dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Ban Quản lý dự án đang triển khai các bước để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phấn đấu đến cuối quý III-2024 hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chức năng, hy vọng các dự án đường vành đai của thành phố Hà Nội sẽ sớm được khép kín, qua đó giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông khung, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khép kín các tuyến vành đai Thủ đô: Tìm phương án gỡ vướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.