(HNM) - Lắng trong không khí náo nức của ngày hội lớn kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình", hồn núi sông ngàn năm hòa vào lòng người Hà Nội, nguyện cầu cho Thăng Long - Hà Nội văn hiến trường tồn, cho đất nước Việt Nam độc lập, thịnh vượng, cho thế giới hòa bình, ổn định.
Từ trái tim đất nước, Hà Nội gửi đến toàn nhân loại một thông điệp chất chứa nguyện vọng thiết tha - nguyện vọng hòa bình, mong muốn tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cùng nắm tay, chung sức vì một nền hòa bình thật sự, bền vững trên toàn thế giới.
Dòng chảy của cuộc kiến tạo nghìn năm Thăng Long - Hà Nội chuyển đến hôm nay những truyền thuyết, những trang lịch sử bi tráng, hào hùng thể hiện một khát vọng thẳm sâu trong trái tim mỗi người dân nước Việt: Khát vọng hòa bình! Trong ăm ắp kho tàng văn hóa dân gian về Thăng Long - Hà Nội, những truyền thuyết chất chứa tình yêu hòa bình là câu chuyện đẹp nhất, được đặt trang trọng trong tâm thức dân tộc.
Mối hận bị lân bang đô hộ và khát vọng độc lập tự chủ của người Việt tự ngàn xưa đã hóa thân vào Thánh Gióng và Thánh Gióng đã trở thành một biểu tượng quật cường của tinh thần, phẩm cách Việt Nam. Bên cạnh hình tượng người anh hùng chống giặc ngoại xâm, truyền thuyết Thánh Gióng ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cậu bé Gióng lặng câm cho đến khi tiếng loa truyền tìm người hiền tài cứu nước bỗng vươn mình đứng dậy, cất tiếng nói, đòi xung trận nói lên điều gì? Phải chăng sự im lặng ấy là biểu trưng của một dân tộc biết nhẫn nhịn, yêu hòa bình và mong muốn hòa hiếu? Và khi giặc ngoại xâm giày xéo quê hương, thì đứa trẻ cũng không thể ngồi nhìn. Cậu bé Gióng đã lớn lên thành Phù Đổng. Sức mạnh của lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi người dân, thấm sâu trong cậu bé Gióng bùng nổ thành sức mạnh tinh thần của cả dân tộc. Đánh tan giặc dữ, Thánh Gióng lặng lẽ ra đi. Đây chính là sự khẳng định: Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam chỉ khát khao mong muốn hòa bình!
Huyền thoại Hồ Gươm, một câu chuyện đậm chất nhân văn, cũng là một minh chứng đặc sắc về tình yêu hòa bình của người dân nước Việt. Tương truyền sau khi Đức Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn có mò được một lưỡi gươm ở dưới sông, sau lại nhặt được cái chuôi bên ruộng cày, ghép lại thành thanh gươm, bỗng rực sáng hào quang. Biết mệnh trời ẩn trong gươm báu, ngài đặt tên là Thuận Thiên. Thanh gươm theo nhà vua từ khi lương cạn mấy tuần, quân không một lữ đến ngày giang sơn sạch bóng quân thù. Về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần đi thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một con rùa xuất hiện, Đức Lê Thái Tổ rút gươm khỏi vỏ, thanh gươm bay về phía rùa thần. Rùa ngậm gươm báu, lặn xuống đáy hồ. Từ đó Lục Thủy được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (còn gọi Hồ Gươm). Đất nước tan bóng giặc, khát vọng hòa bình để xây nền thịnh trị đã trở thành hiện thực, gươm thần gửi lại đáy hồ sâu.
Từ thăm thẳm tâm thức, người Việt Nam, người Thăng Long - Hà Nội không muốn chiến tranh. Thế nhưng, kinh sư muôn đời là mục tiêu quan trọng bậc nhất của những đội quân xâm lược nên không thể đứng ngoài vòng binh lửa. Trong suốt chiều dài lịch sử nhiều phen đất nghìn năm văn hiến trở thành chiến trường có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh dân tộc như Đông Bộ Đầu năm 1258, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, Hà Nội mùa đông năm 1946... Người dân Thăng Long - Hà Nội đã bước vào những cuộc chiến ác liệt để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, để giành lại hòa bình. Đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972. Hà Nội không khuất phục trước bom đạn bạo tàn, quân dân Thủ đô đã góp phần quan trọng làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác pháo đài bay B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp đã trở thành biểu trưng của Hà Nội một thời đạn lửa - Hà Nội trữ tình và chiến thắng.
Hơn 40 năm chưa nguôi những vết thương. Chưa bao giờ Hà Nội phải hứng chịu một lượng đạn bom nhiều như vậy (hơn 10.000 tấn) và cũng chưa bao giờ chịu những tổn thất lớn đến thế (1.600 người chết, nhiều nhà ga, trường học, bệnh viện, khu dân cư bị phá hủy). Đau thương, uất hận, trời Hà Nội rực lửa căm thù, rồng lửa Thăng Long quật đổ pháo đài bay Mỹ. Trong bom rơi, đạn nổ, Hà Nội ngời sáng một dáng hình dũng cảm, một ý chí kiên cường và niềm tin, hy vọng đọng trong mỗi con người đang cầm chắc tay súng, trong những đám cưới ăm ắp tiếng cười của những anh chị "sao vuông đầu mũ", trong tiếng bi bô của đám trẻ dưới những căn hầm trú ẩn... Hà Nội điềm tĩnh trong con mắt của những người nước ngoài: "Hà Nội có rất nhiều hầm trú ẩn, các khách sạn không hề có công sự bảo vệ như Sài Gòn. Bồn chồn bứt rứt thì người trong nước Mỹ ta bồn chồn bứt rứt nhiều. Ở đây chỉ thấy quyết tâm và hy sinh, chỉ thấy một thái độ nghiêm trang". Một Hà Nội anh hùng và lãng mạn đã trở thành biểu tượng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do. Với nhân loại tiến bộ, Hà Nội là biểu tượng của phẩm giá và lương tri nhân loại.
Nhắc lại những truyền thuyết, những trang lịch sử bi tráng, liệt oanh để thêm một lần khẳng định: Hòa bình là khát vọng từ trong tâm thức người Thăng Long - Hà Nội, người Việt Nam. Khát vọng hòa bình và lòng yêu nước đã kết tinh thành sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, làm nên cốt cách Thăng Long - Hà Nội, cốt cách Việt Nam. Hòa bình đem lại những giá trị nhân văn cao đẹp, cũng là nền tảng cơ bản mang lại sự phát triển cho toàn xã hội nên hòa bình vừa là định hướng, vừa là mục tiêu, là động lực để người Hà Nội bước vào một cuộc kiến tạo mới với những giá trị của thời đại mới. Việc UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" cho Hà Nội là sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước mà Thăng Long - Hà Nội vinh dự thay mặt cả nước đón nhận. Thế nhưng vinh dự (suốt 15 năm qua kể từ khi Hà Nội được vinh danh, chưa có thành phố nào ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này) không thể tách rời trách nhiệm - trách nhiệm với "Thành phố vì hòa bình".
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Hà Nội đã nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều thành tựu lớn, đặc biệt trên các tiêu chí: Bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ (những tiêu chí quan trọng mà UNESCO đưa ra đối với "Thành phố vì hòa bình"). Tuy nhiên, để Hà Nội mãi mãi xứng đáng là "Thành phố vì hòa bình", còn rất nhiều việc phải làm.
Đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến có tới 5.000 di tích (chiếm 40% số di tích trong cả nước) trong đó có 1.000 di tích cấp quốc gia. Hà Nội đã nỗ lực rất nhiều, nhưng bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đích thực của Thăng Long - Hà Nội (những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể) trước sức ép đô thị hóa và những cuộc "xâm lăng văn hóa" ồ ạt của thời kỳ hội nhập không hề đơn giản. Trong giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, Hà Nội cũng đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận (dẫn đầu cả nước về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% số xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ đúng độ tuổi...). Thế nhưng, nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước, cũng như phát huy vai trò của đội ngũ trí thức cho giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế tri thức, cải thiện diện mạo văn hóa của Thủ đô vẫn là vấn đề nan giải trong "bùng nhùng" cơ chế hiện nay. Và nữa, việc hàng trăm dự án đô thị được hình thành trong một thời gian ngắn, cùng một khối lượng công việc quy hoạch khổng lồ là một thành quả hết sức ấn tượng của thành phố những năm vừa qua. Tuy nhiên, những vấn đề về gia tăng dân số và sức ép đô thị, bảo tồn và phát triển, cảnh quan và kiến trúc... vẫn là thách thức không thể "đốt cháy giai đoạn", giải quyết trong thời gian ngắn...
Trách nhiệm xây dựng một Thủ đô văn hiến, hiện đại, phát triển bền vững xứng danh "Thành phố vì hòa bình" cũng là trách nhiệm với Thủ đô Anh hùng, với niềm tin yêu của người dân cả nước, bạn bè quốc tế và với cả những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay. Lịch sử bi tráng, hào hùng đang soi đường cho mỗi người Hà Nội vững bước tới tương lai. Nguyện cầu hòa bình trong bối cảnh chiến tranh đang cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội ở nhiều nơi trên trái đất, cũng để khẳng định rằng: Người Hà Nội, nhất là những người trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh không nên và không thể ảo tưởng về những thứ hòa bình viển vông. Hòa bình, độc lập của đất nước hôm nay không tự nhiên đến mà được giành giữ bằng trái tim kiêu hãnh, ý chí kiên cường của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, được đổi bằng máu xương của nhiều thế hệ người Thăng Long - Hà Nội, người Việt Nam. Do vậy, hãy gìn giữ hòa bình bằng những việc làm thiết thực nhất, bằng trái tim nhân ái, yêu thương, bằng tư duy tỉnh táo của lòng yêu nước chân chính và trách nhiệm với Thủ đô Anh hùng - Thành phố vì hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.