Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng cửu trùng đài

Nguyễn Huy Phòng| 17/07/2015 06:31

(HNM) - Với 48 tuổi đời, gần 20 năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một sự nghiệp không đồ sộ về số lượng nhưng cho đến nay những tác phẩm của ông vẫn mang tinh thần thời đại. Giống như nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên luôn ôm ấp khát vọng xây

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.



Từ khởi nguồn quê hương Dục Tú…

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6-5-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống khoa bảng và giàu lòng yêu nước. Làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) cách Cổ Loa - Kinh đô xưa của An Dương Vương và Ngô Quyền có một cánh đồng, nơi mà có nhà nghiên cứu từng cho rằng tất cả mọi thứ đều là lịch sử. Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, không gian văn hóa làng quê với những chứng tích lịch sử, những câu chuyện huyền thoại về các bậc anh hùng, danh tướng qua lời kể của người bác và anh trai đã gieo vào tâm trí Nguyễn Huy Tưởng tình yêu lịch sử, yêu quê hương đất nước.

Bên cạnh đó hình ảnh người mẹ tảo tần, nhân hậu đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và nhân cách của nhà văn. Nhật ký ngày 26-6-1944 của ông ghi lại một kỷ niệm về đấng sinh thành thật đáng trân trọng: “Tết 5 tháng 5. Tết Tàu. Anh em nói chuyện Khuất Nguyên, chắc là do một anh quan thái thú Tàu nào đi sang cai trị, bắt dân làm tết. Nhưng lại nhớ - ôi dĩ vãng - đến lời mẹ, cũng vào tết này - ngày sinh nhật mình - bóng dáng mẹ thân yêu, nhanh nhẹn và đon đả. Mình tỏ ý phẫn sao người Nam lại đi kỷ niệm một người Tàu, mẹ nói: Ai kỷ niệm người Tàu, cúng là cúng tổ tiên mình chứ.

Câu giản dị mà đầy ý nghĩa, chả thế mà anh Nguyễn Hữu Đang nghe chuyện, kết luận: Đấy, sức sống của dân tộc.

Mà quả thật. Một sức sống đẫm máu, quằn quại… nhưng chính nó đã làm mầm cho sự sinh tồn”.

Có thể nói, ngay từ những sáng tác đầu tay, như Vũ Như Tô, An Tư, Đêm hội Long Trì…, Nguyễn Huy Tưởng luôn bám vào mạch nguồn văn hóa truyền thống để ngợi ca lịch sử, đồng thời gửi gắm những tâm sự thầm kín của một trái tim giàu lòng yêu nước.

Không chỉ “viết văn quốc ngữ” để “tỏ lòng yêu nước” như ông từng thổ lộ trong nhật ký năm 18 tuổi về “phận sự một người tầm thường” của mình; Nguyễn Huy Tưởng còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động yêu nước, cách mạng, từ phong trào học sinh, sinh viên, từ Hướng đạo đến Truyền bá quốc ngữ, Văn hóa cứu quốc; từ một Đại biểu quốc hội (tỉnh Bắc Ninh) đến phóng viên chiến trường (Chiến dịch Biên giới); từ một thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam đến Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng…

Sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long, Nguyễn Huy Tưởng hướng ngòi bút của mình phản ánh những thời khắc trọng đại của Hà Nội xưa và nay trong những giai đoạn tiêu biểu. Những sáng tác của ông đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về những thăng trầm của đất Kinh kỳ - Kẻ chợ qua nhiều thiên niên kỷ, từ thuở An Dương Vương xây thành Ốc đến Hà Nội những năm hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và Dục Tú chính là nơi khởi nguồn, chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng.

Đến khát vọng Cửu trùng đài

Nếu nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên ôm giấc mộng lớn, xây Cửu trùng đài “có trăm nóc, cao mười trượng, dài năm trăm trượng” để tranh tinh xảo với hóa công, làm cho đất Thăng Long thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian, thì Nguyễn Huy Tưởng cũng có mong muốn viết được những tác phẩm vĩ đại, như nhật ký ngày 29-3-1945 ông từng ghi: “Mơ mộng viết một truyện dài, những truyện dài. Khao khát một phần thưởng Nobel”. Dù đó chỉ là một cách nói thể hiện khát vọng “tranh tinh xảo” với thế giới, nhưng các tác phẩm của ông thực sự đã tạo ra những tượng đài nghệ thuật mà hình ảnh trung tâm là con người Việt Nam. Dù họ là đấng quân vương, vị tướng lĩnh hay kẻ học trò, người lao động thì đều mang những phẩm chất của người Việt, như lòng tự tôn dân tộc, ý chí kiên cường, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Số phận, cuộc đời họ luôn được đặt trong mối quan hệ với vận mệnh nhân dân, đất nước.

Xâu chuỗi các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, ta thấy nhà văn đã phác họa nên một bức tranh sinh động về các giai đoạn, thời kỳ nhiều biến cố của cha ông. Viết về công lao dựng nước, giữ nước của vua tôi Âu Lạc, Nguyễn Huy Tưởng có An Dương Vương xây thành Ốc; phản ánh cuộc đấu tranh chống ách đô hộ thời kỳ Bắc thuộc, Nguyễn Huy Tưởng viết Cột đồng Mã Viện; viết về thời vua tôi nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên, ông có An Tư, Lá cờ thêu sáu chữ vàng; về thời vua Lê chúa Trịnh, Nguyễn Huy Tưởng có Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô; đề cập đến cuộc kháng chiến của nhân dân Thủ đô những năm chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng viết Những người ở lại, Lũy hoa, Sống mãi với Thủ đô; viết về thời kỳ cải cách ruộng đất, ông có Truyện anh Lục; về công cuộc xây dựng, tái thiết sau kháng chiến chống Pháp, ông có Bốn năm sau… Có thể nói, các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện sinh động những bước đường của dân tộc với cảm hứng sử thi - trữ tình.

Dù ông ra đi khi cuốn tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô còn dang dở, nhưng những vấn đề đặt ra trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, như mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, nghệ thuật với cường quyền; trách nhiệm, số phận của nhà văn, kẻ sĩ với tương lai, vận mệnh nước nhà… thì vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng cửu trùng đài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.