Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Khát” vốn đến bao giờ?

Thế Dũng| 15/04/2011 07:42

(HNM) - Một trong những hạn chế lớn trong hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) nhiều năm qua là chưa thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư từ xã hội, nhất là từ khu vực doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là thách thức đối với việc thực hiện chiến lược KHCN giai đoạn 2011-2020.


Những con số nói gì ?


Thử nghiệm thiết bị khử, hấp thụ kim loại nặng và xử lý Asen tại Công ty TNHH Công nghệ môi trường Đức Việt (Hà Nội).Ảnh: TTXVN


Theo Bộ KHCN, đầu tư tài chính cho KHCN những năm gần đây tăng lên đáng kể, trong đó ngân sách chi cho hoạt động này năm 2009 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2001. Giai đoạn 2006-2010, Nhà nước tiếp tục duy trì mức đầu tư hằng năm cho hoạt động KHCN đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5-0,6% GDP) với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm khoảng 16,5%/năm. Cho đến nay, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính, chiếm tới 65-70% tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KHCN. Trong điều kiện quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, mức đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KHCN của Việt Nam hiện nay ước tính đạt khoảng 1% GDP, quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư theo GDP cho KHCN chưa đạt mục tiêu 1,5% như Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2010 được đặt ra từ năm 2003. Tỷ lệ đóng góp của KHCN vào phát triển kinh tế ở Việt Nam đã cao hơn so với giai đoạn trước, nhưng cũng chỉ ở mức 22-23%.

Đáng lưu ý, nguồn kinh phí thấp nhưng lại được dành đến 51,5% để cân đối cho các bộ, ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tổ chức KHCN trực thuộc và thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp bộ. Khoảng 35% dành cho các địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tổ chức KHCN trực thuộc và thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, thành phố. Chỉ có khoảng 13,5% để thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước (bao gồm các chương trình, đề tài, dự án) và cấp cho Quỹ phát triển KHCN quốc gia...

Theo kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế phát triển, những lĩnh vực khoa học ứng dụng sẽ là "sân chơi" của doanh nghiệp (DN). Nhưng ở nước ta, dù đã được "nhận diện" nhưng vấn đề này vẫn là bài toán chưa có lời giải. Luật Thuế thu nhập DN đã quy định, DN được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN nhưng hầu hết DN không thực hiện. Rất ít đơn vị có bộ phận nghiên cứu, triển khai và có quỹ phát triển KHCN. Các tập đoàn kinh tế lớn, các tổng công ty 90, 91 của Nhà nước cũng ít quan tâm đến vấn đề này.

Thạc sỹ Hoàng Thu Hiền (Trường Quản lý KHCN) cho biết: DN Việt Nam đầu tư cho KHCN chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển. 80% DN không có chiến lược đầu tư cho KHCN. DN nước ta cũng chỉ dành 0,2-0,3% doanh thu cho đầu tư đổi mới công nghệ, trong khi chỉ số này ở Ấn Độ, Hàn Quốc lần lượt là 5% và 10%... Rõ ràng, những con số đó đã chỉ rõ "lỗ hổng" trong phát triển KHCN ở nước ta.

Đổi mới bằng cách nào?

Những năm gần đây, Bộ KHCN có nhiều nỗ lực nhằm đổi mới phương thức đầu tư cho KHCN. Cụ thể, Quỹ KHCN quốc gia ra đời năm 2009 đã trở thành kênh tài chính linh hoạt, hỗ trợ cho hoạt động KHCN bên cạnh hệ thống các chương trình, đề tài sử dụng kinh phí từ nguồn truyền thống, tạo cơ hội rộng mở, bình đẳng cho mọi thành phần, lực lượng trong xã hội được tiếp cận với các nguồn tài chính của Chính phủ khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ cũng xúc tiến thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ Đầu tư mạo hiểm như một kênh hỗ trợ tài chính cho hoạt động KHCN... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những đổi mới trên là cần thiết nhưng dường như chỉ là "một nửa" vấn đề nếu hoạt động KHCN không được DN quan tâm.

GS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có sự phân loại và hướng tới xã hội hóa trong việc đầu tư cho KHCN. Theo đó, loại đề tài chủ yếu do Nhà nước đầu tư phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ vì lợi ích cộng đồng và có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Loại đề tài do DN đầu tư là chủ yếu, nhằm thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho sự phát triển của DN thì kinh phí nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ. Ở đây, Nhà nước chỉ cấp kinh phí hỗ trợ từ 20-30% theo phương thức thanh toán sau khi kết thúc đề tài và DN cần chứng minh được quy mô thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu đó.

Theo các chuyên gia, DN không mặn mà với hoạt động KHCN là vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ cơ chế quản lý DN nhà nước (NN). Với cơ chế hiện nay, các giám đốc bị gò bó và có rất ít quyền tự chủ, nhất là trong việc chi những khoản đầu tư lớn, mà chi cho đổi mới công nghệ thường là lớn. Thủ tục xét duyệt, thẩm định các dự án đầu tư đổi mới công nghệ trong DNNN hay kéo dài khiến nhiều đơn vị không muốn tham gia, không xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn. "Tư duy nhiệm kỳ" cũng là rào cản khiến nhiều giám đốc DN không mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Ở một hướng khác, Nhà nước cũng nên quan tâm đến việc trích khoảng 0,5-1% doanh thu của một số ngành xuất khẩu có giá trị lớn như cà phê, gạo, điều, thủy sản... để tăng cường cho công tác KHCN. Con số này là không nhỏ và có thể là hướng đi phù hợp để hoạt động KHCN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Đầu tư xã hội cho KHCN ở Liên minh châu Âu là khoảng 2%, Nhật Bản 3,15%, Trung Quốc 1,3%, Mỹ 2,6%, Hàn Quốc gần 5%.
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khát” vốn đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.