Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát khao chinh phục bầu trời

Tuấn Lương| 02/11/2018 06:20

(HNM) - Những gương mặt bình thản của phi công hay nụ cười thân thiện của đội ngũ tiếp viên là điều mà hành khách đều cảm nhận được sau mỗi chuyến bay an toàn.


Chuẩn xác và tốc độ

Khi lên máy bay, hành khách sẽ được hướng dẫn về quy trình bảo đảm an toàn bay, từ việc sử dụng áo phao, mặt nạ dưỡng khí, thoát hiểm khi có sự cố cho đến việc không được hút thuốc lá trong suốt chuyến bay... Và rồi sau đó, phần lớn hành khách sẽ chìm vào giấc ngủ cho đến khi máy bay hạ cánh. Mọi sự rất đơn giản...

Học viên luyện tập thoát hiểm trên mặt nước. Ảnh: Khải Tuấn


Nhưng ở Trung tâm Huấn luyện bay TP Hồ Chí Minh, mọi việc lại khác... Mỗi tiếp viên phải trải qua tới hàng chục môn học khác nhau, như ngoại ngữ chuyên ngành; xây dựng hình ảnh người tiếp viên chuyên nghiệp; sơ cứu; học cách tự vệ khi bị tấn công, cách ngăn chặn mở cửa máy bay... Song, theo một số tiếp viên hàng không, môn học khó nhất, đau đầu nhất nhưng cũng thích nhất là học về phương pháp an toàn bay, trường hợp thoát hiểm khẩn cấp, phương thức sống sót; nhảy cầu phao...

Đúng là môn học về phương pháp an toàn bay khó nhưng hấp dẫn thật. Lần đến trải nghiệm tại trung tâm, chúng tôi được chứng kiến tiếp viên tập luyện hướng dẫn hành khách cách sử dụng cửa thoát hiểm, phao cứu sinh, mặt nạ dưỡng khí trong trường hợp khẩn cấp... Trên máy bay, hành khách chỉ biết khi cửa thoát hiểm được mở trong trường hợp khẩn cấp, cầu phao sẽ bung ra giúp hành khách thoát hiểm một cách nhanh nhất. Tại trung tâm, mô hình phao thoát hiểm gắn liền với các dòng máy bay Boeing, Airbus... được thiết kế theo đúng thực tế. Mỗi cầu phao dài 12-15m, rộng 1,5-3m tùy vị trí trên cửa thoát hiểm máy bay. Khi thoát hiểm, tay hành khách đặt như thế nào, tiếp xúc với phao ra sao đều theo những nguyên tắc nhất định.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, giáo viên trung tâm cho biết, dù thiết kế nội thất máy bay có khác nhau giữa các hãng và có rất nhiều loại cửa thoát hiểm nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc trong trường hợp khẩn nguy, toàn bộ hành khách có thể thoát ra ngoài trong tối đa 90 giây. Để đáp ứng được việc này phải thực hiện thông qua diễn tập thực tế với yêu cầu không sử dụng quá 50% số cửa thoát hiểm. Vì vậy đòi hỏi mỗi tiếp viên phải tập luyện với sự tập trung cao độ nhằm bảo đảm tốc độ, sự chính xác và an toàn cao nhất.

Hoặc như tình huống tập thoát hiểm từ máy bay Boeing 787 xuống nước bằng xuồng cứu hộ. Những chiếc xuồng cỡ lớn với sức chứa hơn 10 người nổi dập dềnh, hàng loạt vòi nước phun thẳng vào xuồng tạo tình huống mưa bão. Cũng trong khoảng thời gian rất ngắn như vậy, hành khách phải trượt từ máy bay theo phao thoát hiểm xuống xuồng cứu hộ. Quy trình hướng dẫn từ tiếp viên cho đến mọi động tác của hành khách đều đòi hỏi tốc độ và sự chính xác rất cao.

Chủ động nguồn lực phi công

Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên trước tiên phải qua được khâu tuyển chọn vô cùng khắt khe về thể hình và thể lực. Sau khi qua vòng sơ tuyển sẽ đến phần huấn luyện phi công cơ bản kéo dài 16 - 18 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên sẽ được cấp các chứng chỉ cần thiết. Tiếp đó, các học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ trong khoảng 1 năm, rồi cần thêm hàng nghìn giờ bay và 5 năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Do đó, đào tạo được một phi công thực thụ thường sẽ phải mất từ 7 đến 9 năm. Trong quá trình đào tạo, các phi công tương lai luôn được rèn luyện rất kỹ, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm, các phi công phải trải qua 1 - 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.

Trước đây, mỗi năm Vietnam Airlines đều phải tốn chi phí đưa phi công đi huấn luyện chuyển loại định kỳ 6 tháng/lần ở nước ngoài. Không chỉ tốn kém về chi phí, việc gửi phi công thương mại ra nước ngoài huấn luyện bay còn phụ thuộc rất nhiều vào thời gian, chương trình của phía đối tác. Tháng 8-2018, Tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái đầu tiên tại Việt Nam (đặt tại Trung tâm Huấn luyện bay) đã chính thức được Vietnam Airlines khai trương với đầy đủ các thiết bị mô phỏng buồng lái (SIM) A320 - 200, A321, A350 và Boeing 787.

Trực tiếp "lái" đưa chúng tôi hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất bằng thiết bị mô phỏng SIM A350, cơ trưởng Nguyễn Anh Đức, Phó Trưởng ban Tổ chức nguồn lực, đồng thời là giáo viên huấn luyện chia sẻ, đây là thiết bị mô phỏng nhưng được thiết kế bảo đảm giống máy bay thật. Việc đồng bộ hóa thiết bị, công nghệ song song với việc bổ sung về đội ngũ nhân sự đào tạo phi công thương mại nhiều kinh nghiệm là căn cứ để bảo đảm việc trung tâm hoàn toàn có thể đào tạo phi công bay thương mại và chuyển loại ở trong nước ngay từ năm 2018.

"Bay" trong SIM cũng khá thú vị. Tất nhiên là ngồi trong buồng lái chứ không phải trong khoang hành khách. Trước khi bay, chúng tôi được cơ trưởng yêu cầu thắt dây bảo hiểm, giữ yên lặng để không ảnh hưởng tới việc điều khiển của phi công. Quá trình bay cũng rung lắc, nhiễu động thời tiết, cũng nghe thấy tiếng động cơ rè rè; càng gần lúc hạ cánh, qua cửa kính là đường băng, những tòa nhà cao tầng, nhà máy, xí nghiệp... bên ngoài sân bay. Hàng trăm nút bấm trước mặt, trên đầu phi công nhưng mọi thao tác với từng nút đều chuẩn xác tuyệt đối. Cảm giác của hành khách lúc hạ cánh bằng máy bay thật như thế nào thì hạ cánh với SIM cũng như vậy.

Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định, hiện Việt Nam đã có được một trung tâm huấn luyện bay đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ huấn luyện bay cho phi công thương mại, phi công chuyển loại cho cả trong nước và quốc tế. Tất cả những việc này đều để giúp chủ động trong công tác huấn luyện, không phải lệ thuộc vào đối tác, giảm thời gian và chi phí đưa phi công ra nước ngoài đào tạo. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hàng không Việt Nam và ứng dụng công nghệ 4.0, đã đến lúc chúng ta tự làm chủ được sân chơi của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát khao chinh phục bầu trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.