Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát khao bình yên

Vân Khanh| 06/04/2014 07:03

(HNM) - Sáng 5-4, cơn mưa nặng hạt đã bao phủ thủ đô Kabul của Afghanistan trong màn nước trắng. Thế nhưng, tiết trời không thuận lợi cũng không thể ngăn được người dân Afghanistan có mặt tại các điểm bỏ phiếu tham gia cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định đối với tương lai quốc gia nhiều năm qua đã


Khoảng 12 triệu người Afghanistan đã tham gia bỏ phiếu.


Tại bất kỳ một đất nước nào, hình ảnh này không có gì khác lạ. Nhưng với quốc gia Tây Nam Á này, những hàng người nối dài ở các điểm bầu cử bất chấp những đe dọa tắm máu của phiến quân Taliban mang một thông điệp đặc biệt. Vượt qua nỗi sợ hãi, người Afghanistan đã thể hiện niềm khao khát bình yên, mong muốn được sống trong thể chế dân chủ - điều dường như bị lãng quên vì những toan tính lợi ích từ cả bên ngoài lẫn bên trong nội bộ Afghanistan suốt những năm qua. Vì vậy, với sự kiện trọng đại này, lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia vốn đã quen thuộc với xung đột, một cuộc chuyển giao quyền lực trong thời bình thông qua bầu cử, chứ không phải bằng súng đạn hay những cuộc dàn xếp bởi một lực lượng quốc tế được diễn ra. Do đó, xét trên khía cạnh pháp lý lẫn nhân tâm, vị tổng thống tương lai tại Afghanistan sẽ có những sự công nhận mà Tổng thống đương nhiệm Hamid Karzai không có. Với một số phe phái, ông H.Karzai vốn lên nắm quyền nhờ sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh không phải là một nhà lãnh đạo hợp pháp. Sau hai nhiệm kỳ liên tiếp nắm quyền, lời hứa xây dựng một đất nước đoàn kết và hạn chế tham nhũng như cương lĩnh tranh cử của vị tổng thống được gọi là "người của Mỹ" đã không được thực hiện. Không chỉ là căn cứ địa của Taliban và nhiều phần tử cực đoan khác, sự chia rẽ sắc tộc và chính trị đã trở thành căn bệnh mạn tính của Afghanistan. Nạn tham nhũng tràn lan bắt nguồn từ thể chế luật pháp non nớt, yếu kém đã không thể đưa quốc gia này khỏi những bậc xếp hạng áp chót trong hàng loạt chỉ số phát triển. Khoảng 9 triệu trên tổng số 29 triệu dân Afghanistan sống dưới mức nghèo cùng cực với thu nhập 1 USD/ngày. Gần 2/3 số người lớn ở Afghanistan bị mù chữ, cao hơn 15% so với mức trung bình của các nước kém phát triển nhất. Ngân sách hàng năm ít ỏi, đơn cử như năm 2014 không quá 7 tỷ USD nhưng cũng chủ yếu đến từ viện trợ quốc tế. Sản xuất trong nước hầu như không có gì ngoài diện tích cây thuốc phiện ngày càng mở rộng cho dù Mỹ đã chi 10 tỷ USD để đưa Afghanistan khỏi nguy cơ trở thành một "nhà nước thuốc phiện".

Vì thế, cho dù 8 ứng viên trong cuộc bầu cử lần này đang tham gia vào cuộc đua gay cấn nhưng bất cứ nhân vật nào giành chiến thắng cũng sẽ phải gánh vác một núi công việc nặng nề. Hiện có 3 cái tên đang nổi lên là hai cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah, Zalmai Rassoul và cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani Ahmadzai. Nếu ông Abdullah từng có thành tích đã "về nhì" trong vòng một cuộc bầu cử hồi năm 2009 thì ông Ghani nhận được sự ủng hộ của giới trẻ thành thị, trong khi chính trị gia Rassoul được coi là một nhân vật được Tổng thống H.Karzai "đo ni đóng giày". Sự bảo trợ mạnh mẽ đó khiến dư luận lo ngại về tình trạng kết quả bỏ phiếu sẽ bị làm sai lạc một cách có chủ ý nhằm phục vụ cho mục tiêu duy trì ảnh hưởng của vị tổng thống sắp mãn nhiệm trên chính trường qua việc dựng lên một người kế nhiệm nằm trong nhóm lợi ích của ông. Theo quy định của Hiến pháp, ông H.Karzai không thể ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, nhưng như thế cũng không có nghĩa là ông chịu chấp nhận nhìn thấy quyền lực thoát khỏi phe phái và tầm tay mình. Thế nên, gian lận được xem là thách thức lớn nhất trong sự kiện pháp lý lần này tại Afghanistan. Là "chuyện thường ngày" trong tất cả các cuộc bỏ phiếu, nhưng nếu không có một cuộc bầu cử "sạch sẽ" sẽ đẩy Afghanistan vào tình trạng lộn xộn, thậm chí là bất ổn và bạo động khi các ứng viên cáo buộc nhau giành lợi thế bằng những lá phiếu "ma". Sự thiếu vắng của các tổ chức quan sát viên quốc tế và khu vực đến giám sát bầu cử càng tăng thêm những nghi ngờ về mối đe dọa này sẽ xuất hiện trở lại.

Cho dù kết quả sơ bộ sẽ không được công bố sớm hơn ngày 24-4 và ngày kiểm phiếu cuối cùng dự kiến diễn ra vào ngày 14-5, nhưng tương quan giữa các ứng viên cho thấy, khó có nhân vật nào giành được hơn 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng ngay trong vòng một. Điều này có nghĩa là cuộc so găng sẽ phải tiếp diễn tại vòng hai sau đó hai tuần. Tuy nhiên, với người dân Afghanistan, thời gian chờ đợi một vị lãnh đạo mới dù khá dài nhưng vẫn quá ngắn so với hơn một thập kỷ đã trôi qua trong tiếng súng và đổ máu. Quan trọng nhất không phải là ai sẽ chiến thắng mà là những lá phiếu của cử tri có được tôn trọng hay không và vị tổng thống mới sẽ làm được gì cho người dân, cho đất nước Tây Nam Á này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khát khao bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.