Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội: Hàng hóa Tết dồi dào, ổn định

Việt Tuấn| 09/02/2021 06:28

(HNM) - Với hơn 10 triệu dân sinh sống, lưu trú tại Hà Nội, sức mua dịp cuối năm tại Hà Nội rất lớn. Điều này đòi hỏi hình thành đa dạng các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng là rất cần thiết. Qua khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị trên địa bàn Thủ đô dồi dào, giá cả ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đại diện các ban HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tình hình cung ứng hàng hóa dịp Tết tại chợ hoa Xuân phường Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Giá cả hàng hóa ổn định

Báo cáo của Sở Công Thương gửi đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội cho biết, cùng với hàng hóa sản xuất tại Thủ đô, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương chủ động tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các tỉnh. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố là khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với Tết Canh Tý 2020. Đến nay, hàng hóa được lưu thông ổn định, liên tục, thông qua 29 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ, hơn 1.800 cửa hàng tiện ích cũng như kênh thương mại điện tử.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với tỉnh Hà Giang, Lai Châu tổ chức 6 điểm bán hàng Tết; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng 198 điểm bán hàng bình ổn; phối hợp với các quận, huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Quốc Oai, Hà Đông, thị xã Sơn Tây khai trương và đưa vào hoạt động 14 điểm giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

Ông Hoàng Khánh An (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây) nhận xét, hàng hóa phục vụ Tết năm nay dồi dào và giá cả ổn định. Đặc biệt, năm nay quầy hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn khá nhiều, vừa thúc đẩy tiêu thụ cho nông dân, vừa tiện lợi cho người tiêu dùng.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga đánh giá, qua khảo sát, các doanh nghiệp, chủ cơ sở đều sử dụng tối đa công suất mạng lưới bán hàng dịp Tết. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức các chương trình khuyến mại, hậu mãi để kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết; đa dạng hình thức bán hàng cũng như hình thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của tất cả các đối tượng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa

Bên cạnh tổ chức mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa trên thị trường. Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt kiểm tra cao điểm dịp Tết, tập trung vào việc phòng, chống buôn bán hàng cấm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thuốc lá, quần áo...

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương nhận định, hoạt động kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm được quan tâm hơn. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã tăng cường kiểm soát các kho hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng phổ biến ngày Tết. Đặc biệt, tại các chợ dân sinh, trung tâm thương mại, hội chợ, đoàn kiểm tra liên ngành đều chú trọng kiểm tra, giám sát hàng hóa lưu thông, không để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu.

Tuy nhiên, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, cung cầu một số mặt hàng đang phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như khí hậu, dịch bệnh... nên mặc dù các doanh nghiệp đã có kế hoạch, nhưng tình hình dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp thì sẽ ảnh hưởng tới sức mua và khả năng dự trữ”.

Mặt khác, bà Hoàng Thị Phương (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) cho rằng, hoạt động giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản an toàn, nông sản sạch ở khu vực nông thôn trong dịp Tết vẫn còn ít. Như tại huyện Gia Lâm có 22 xã, thị trấn mà chỉ có một điểm bán hàng nông sản an toàn, nông sản sạch. “Mong rằng, hoạt động này được mở rộng nhiều ở những năm tiếp theo”, bà Hoàng Thị Phương chia sẻ...

Không chỉ cung ứng lương thực, thực phẩm, dịp Tết này, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức cấp phép hoạt động các chợ hoa Xuân phục vụ nhu cầu người dân. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, nhìn chung, Ban quản lý chợ hoa Xuân và các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng. Nhưng qua khảo sát cho thấy, tại một số chợ hoa thuộc quận Hà Đông, Thanh Xuân, các điểm ra vào chợ còn thiếu chốt trực bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, nhiều khách vào chợ không đeo khẩu trang. Ngoài ra, việc bố trí khu vực nhà vệ sinh công cộng chưa bảo đảm, khu vực trông giữ phương tiện chưa đúng quy định; sắp xếp các gian hàng thiếu hợp lý.

“Thị trường Tết sẽ sôi động đến ngày 11-2 (tức 30 Tết) nên chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng dịch tại các chợ hoa, điểm mua sắm hàng tiêu dùng, bảo đảm cho nhân dân mua sắm Tết an toàn”, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội: Hàng hóa Tết dồi dào, ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.