(HNNN) - Kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử là một trong những “bí quyết” giúp tỉnh Bắc Giang, Hải Dương có một vụ thu hoạch vải thiều thắng lợi dù khi đó các tỉnh này đang là “điểm nóng” của dịch Covid-19. Từ thành công này, nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn điện tử để khẳng định vị thế, giá trị.
Hiệu ứng từ việc đưa vải thiều lên sàn
“Thay đổi chóng mặt” là cụm từ mà đại diện sàn thương mại điện tử Postmart của VNPT nói về hành vi của người tiêu dùng đối với giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong vụ vải thiều năm 2021.
Theo đại diện sàn Postmart, dù đã hình thành, đi vào hoạt động từ 5 - 6 năm qua nhưng ở các năm trước số lượng người truy cập rất ít. Tuy nhiên mọi chuyện đã khác trong vụ vải thiều năm nay. Nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của các bộ, ngành và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, đoàn thể, chỉ tính từ ngày 1-6 đến nay, đã có 300.000 - 400.000 lượt người mua vải thiều trên sàn của Postmart và Vỏ Sò, mỗi ngày có thể chốt 36.000 - 37.000 đơn; đã có 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Vải thiều vừa đưa vào Tây Ninh là hết ngay, thậm chí có thời điểm không đủ nguồn cung.
Tuy nhiên, qua việc triển khai ở Bắc Giang, đại diện Postmart cho rằng, cần có sự đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống logistics để đảm bảo nông sản phân phối tới 63 tỉnh, thành phố với chất lượng tốt nhất.
Đặt câu hỏi về sự thay đổi chóng mặt này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn: Sàn thương mại điện tử của Vỏ Sò và Postmart đã đưa vào vận hành năm thứ 6, nền tảng công nghệ không có gì đột phá, tại sao phải qua sự việc của trái vải thiều mới thay đổi? “6 năm qua không phát triển là do các anh không nghĩ đến đối tượng là người dân, nếu không có câu chuyện của quả vải thì liệu thương mại điện tử có phát triển chóng mặt như thời gian vừa qua không? Đến mùa vải, Bộ Thông tin và Truyền thông cho đi khảo sát, có đến 90% số người được khảo sát chưa ăn vải thiều Bắc Giang đúng nghĩa, không nghĩ rằng sẽ mua được vải trong vòng 2 ngày” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử sẽ giúp đưa sản phẩm đến từng gia đình, nhiều người ở Cà Mau, Lâm Đồng trước đây chưa bao giờ nghĩ sẽ được ăn quả vải thiều chính hiệu của Bắc Giang vì khó khăn trong vận chuyển, nhưng nay thì khác, ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể được ăn vải thiều sau nhiều nhất 48 giờ.
Từ sau thành công của Hải Dương, Bắc Giang trong việc đưa nông sản tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, nhiều tỉnh cũng xúc tiến giới thiệu các nông, đặc sản trên sàn thương mại điện tử. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã tổ chức những sự kiện mang tính lan tỏa, đem lại hiệu quả vô cùng thiết thực, như “Ngày đặc sản Sơn La” (tổ chức trên Sendo.vn); “Ngày hội xứ dừa - quê hương Bến Tre” (tổ chức trên Sendo.vn); đẩy mạnh tiêu thụ hành tím Sóc Trăng, vải thiều Hải Dương qua Voso.vn; Phiên chợ nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử Sendo hay chương trình hỗ trợ nho xanh Ninh Thuận, bơ Đắk Lắk, khoai lang tím Vĩnh Long, mận hậu Sơn La, lê thơm Tai Nung (Lào Cai), sầu riêng RI6 Trà Vinh...
Mới đây nhất, nhãn lồng Hưng Yên cũng được giới thiệu bán trên 6 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam (Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada). Không những thế, nông dân còn được đại diện các sàn thương mại điện tử hướng dẫn để trực tiếp livestream bán hàng trên sàn.
Kết nối cung cầu Nam - Bắc
Trong điều kiện 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, các ngành chức năng cũng đã có những giải pháp thiết thực, giúp nông dân đưa nông sản lên giới thiệu ở các sàn thương mại điện tử.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn có 1.400ha khoai lang, sản lượng ước đạt hơn 35.000 tấn; diện tích cá tra đạt 2.000ha với sản lượng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (553.000 tấn). Tỉnh Sóc Trăng cũng có hàng chục nghìn tấn trái cây, hàng trăm nghìn tấn lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều loại trái cây, nông sản của các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội đã vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng cung ứng ra thị trường lớn, do vậy tạo áp lực tiêu thụ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, việc lưu thông, vận chuyển khó khăn. “Để kết nối tiêu thụ ra các thị trường, vào các chuỗi phân phối lớn hiệu quả, các địa phương cần thống kê cụ thể sản lượng, kế hoạch tiêu thụ, phân luồng đưa hàng vào siêu thị và các chuỗi cung ứng” - ông Toản nhấn mạnh.
Đã hỗ trợ nông dân Bắc Giang, Lạng Sơn đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, na trên các sàn thương mại điện tử, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ nông dân Đồng Tháp, Sóc Trăng giới thiệu các loại trái cây, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Theo đại diện Bưu điện tỉnh Sóc Trăng, đơn vị này đã và đang hướng dẫn nhiều nông dân, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm nông sản lên giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart. Ông Bùi Huy Hoàng cho biết thêm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ kết nối và tổ chức cùng với các sàn thương mại điện tử hợp tác với Cục để hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ phân phối sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, khi tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến”, doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia thương mại điện tử “cầm tay chỉ việc”, tư vấn hoàn toàn miễn phí từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng đến kỹ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại...
Ủng hộ việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: “Hướng đi của các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử là rất đúng. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế. Hy vọng các sàn thương mại điện tử sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất, không chỉ trong dịch mà còn sau này nữa”.
“Khó khăn của nông dân là không bán được sản phẩm, dù bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng nhưng giá nông sản vẫn rất thấp. Nông dân bán quả chuối trong vườn nhưng không khác gì bán ở bất kỳ đâu, chuối không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có thương hiệu. Một sàn thương mại điện tử sẽ giúp giải quyết cho bà con những khó khăn này bởi sàn sẽ kết nối được nông dân với người tiêu dùng, bà con đưa lên sàn, sản phẩm có xuất xứ, không bị làm giả, khi đó, giá trị của quả chuối không chỉ nằm ở bản thân nó mà còn có giá trị của mảnh đất, của vùng quê nơi trồng ra nó, còn có giá trị được hình thành từ cách chăm sóc của từng gia đình. Khi đó, mỗi một quả chuối sẽ có giá trị riêng, có đời sống riêng, người tiêu dùng mua quả chuối đó, còn mua cả cái nắng cái gió, hương vị của nơi đã sản sinh ra nó” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.