(HNM) - Không phải ngẫu nhiên, Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh - lại đánh giá Việt Nam rất tích cực trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Đó là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nước ta trong suốt nhiều năm qua.
Điều này được minh chứng qua một vài số liệu rất thuyết phục như: Giai đoạn 2016-2020, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 226% từ 141 tỷ USD (năm 2016) lên 319 tỷ USD (năm 2020), xếp thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu mạnh thế giới. Dù ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì thứ hạng 33, đạt 388 tỷ USD giá trị thương hiệu, tăng 21,69% so với năm 2020... Gây dựng kết quả này phải kể đến những doanh nghiệp là cánh chim đầu đàn tạo lên thương hiệu quốc gia như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro)...
Từ năm 2003 đến nay, sau 18 năm triển khai, Việt Nam đã ghi nhận 124 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia với 283 sản phẩm. Ngoài những lợi ích về kinh tế thì hiệu quả lớn nhất phải nói tới là thương hiệu quốc gia đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khi coi trọng việc xây dựng, bảo vệ, duy trì và phát triển thương hiệu. Điều này đã trực tiếp khẳng định vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là điều cốt lõi, mang tính then chốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Lợi ích trong xây dựng thương hiệu quốc gia là rất to lớn, nhưng vì nhiều lý do, Việt Nam đang đi sau rất nhiều nước. Vì thế, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xây dựng thương hiệu quốc gia lại càng có tầm quan trọng và mang ý nghĩa chiến lược.
Để phát triển thương hiệu quốc gia, có 2 yếu tố chính cần chú trọng là xây dựng và quản lý thương hiệu quốc gia. Trong đó, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đầu tiên thuộc về doanh nghiệp bởi thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có tính gắn kết, quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Do đó, khi đã gây dựng được thương hiệu rồi, doanh nghiệp càng phải khắt khe hơn để sản phẩm có được thế đứng vững chắc ngay trên thị trường nội địa và tạo ấn tượng với thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Cần có những hướng dẫn cụ thể với doanh nghiệp về các tiêu chí, điều kiện để triển khai... Đặc biệt, cần giải thích để doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích khi được xướng danh trong thương hiệu quốc gia, từ đó, tạo động lực để họ theo đuổi mục tiêu được ghi tên trong danh sách này.
Là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, nên các cơ quan chức năng cần chú trọng giải pháp nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương có doanh nghiệp thương hiệu quốc gia cần thường xuyên hỗ trợ quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp để tạo sự lan tỏa, khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập “sân chơi” lớn này.
Với Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong lợi ích của quốc gia, dân tộc có lợi ích rất lớn của doanh nghiệp. “Chắp cánh” cho thương hiệu quốc gia sẽ khẳng định vị thế chiến lược, góp phần ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.