Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi xây dựng luật

Hương Ly| 22/05/2020 18:45

(HNMO) - Chiều 22-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật này.

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đã được luật hiện hành thể chế hóa cụ thể trong từng khâu của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và được chấp hành đầy đủ, nghiêm túc trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Việc bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung là để tiếp tục khẳng định, làm rõ và sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Liên quan đến vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Luật quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản. Việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Về ý kiến liên quan đến tình trạng dự án luật được rút khỏi chương trình làm việc của Quốc hội còn nhiều, nhưng chưa có biện pháp xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong một số trường hợp, việc điều chỉnh chương trình, bao gồm cả việc cho lùi, rút khỏi chương trình là cần thiết để bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án luật trình Quốc hội. Trong thời gian tới, các cơ quan trình dự án luật cần rút kinh nghiệm, đề cao trách nhiệm, bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định về việc lập đề nghị, kiến nghị xây dựng luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ trong công tác soạn thảo để khắc phục tình trạng trên.

Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Đồng tình với việc làm rõ vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng văn bản pháp luật, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc bổ sung Điều 6 của dự thảo Luật quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, bởi hoạt động này dù được luật hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, song thực tế, đây là luật tổ chức hoạt động nên chưa thể quy định một cách đầy đủ về quy trình, thủ tục phản biện xã hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) đề nghị thêm, việc phản biện cần thực hiện cả khi xây dựng cũng như giai đoạn thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật để đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên họp đã ghi nhận 13 ý kiến phát biểu và có 3 đại biểu tranh luận. Đại diện cơ quan thẩm tra đã làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến phát biểu đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc đóng góp hoàn thiện dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu nhằm hoàn thiện dự án Luật này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi xây dựng luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.