Sáng 9-3, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm khoa học "Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992". Tham dự có các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhiều cán bộ giảng dạy các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi tọa đàm đã có hơn 50 bài tham luận và nhiều ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến xoay quanh nội dung về thể chế nhà nước, vai trò chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, về các thành phần kinh tế, vai trò của các thành phần kinh tế, chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương… Trong đó, Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Trong Dự thảo Hiến pháp tiếp tục xác nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, từ ngữ diễn giải cần được hoàn thiện để nâng cao chất lượng của Dự thảo.
* Ngày 9-3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã tổ chức Hội thảo "Đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992".
Các đại biểu, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc VASS đã có nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập trung vào các mục: Lời nói đầu, Chế độ chính trị, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, các quy định về an ninh quốc phòng, về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, các quy định về sở hữu đất đai, dân tộc, tôn giáo trong Hiến pháp. Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết để phù hợp với tình hình đất nước và xu thế phát triển trên thế giới. Các điều khoản trong bản Dự thảo đã giải quyết được một số vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, một số điều khoản cần được làm rõ hoặc cân nhắc kỹ hơn về cách diễn giải để bản Hiến pháp được chặt chẽ và khoa học hơn. Nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong dự thảo Hiến pháp, các đại biểu đều nhất trí việc nội dung này được chuyển từ chương V lên chương II là hợp lý, thể hiện được kết cấu logic của một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao các giá trị của quyền con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.