Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương "khơi thông tắc nghẽn"

Kim Nhuệ| 03/01/2018 07:28

(HNM) - Nhiều bất cập, vướng mắc tồn tại sau bàn giao, tiếp nhận công trình thủy lợi khiến nhiều địa phương đối mặt khó khăn khi triển khai các phương án chống hạn vụ xuân năm 2018.


Ông Nguyễn Xuân Đức, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai) cho biết: Trên địa bàn có 50ha đất sản xuất nông nghiệp ven sông Tích. Để lúa chín, thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn đổ về, những năm trước đây, hai hợp tác xã Liên Thôn và Muôn Ro thường bố trí 16 người chủ động bơm và dẫn nước vào đồng ruộng để nhân dân làm đất, gieo mạ từ ngày 25 đến 31-12 hằng năm. Thực hiện chủ trương của thành phố hai hợp tác xã đã bàn giao 7 trạm bơm tiêu, 1 trạm bơm tưới, gần 20km kênh mương cho Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích quản lý, vận hành. Tuy nhiên, đến ngày 29-12-2017, doanh nghiệp vẫn chưa dẫn nước vào đồng ruộng để làm đất gieo mạ, cấy trà xuân sớm. Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích chưa hoàn trả kinh phí xã viên đầu tư các công trình thủy lợi đã bàn giao, và cũng chưa thanh toán kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí khiến các hợp tác xã có nguy cơ phá sản vì nợ ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Ngọc Khương cho biết, hợp tác xã đã bàn giao 14 trạm bơm, 50km kênh mương nội đồng nhưng đến nay Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy chưa hoàn trả kinh phí hợp tác xã đã đầu tư và thanh toán 395 triệu đồng kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí năm 2016 và 2017… Điều này khiến hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các phương án sản xuất vụ xuân…

Tuy vậy, theo phản ánh của 5 doanh nghiệp thủy lợi thành phố, đến ngày 31-12-2017 các đơn vị đã hoàn thành việc bảo dưỡng trạm bơm, nạo vét kênh mương, sẵn sàng triển khai phương án lấy nước phục vụ nhân dân gieo cấy vụ xuân bảo đảm đúng khung thời vụ. Lý giải về việc chậm dẫn nước phục vụ nhân dân làm đất, gieo mạ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đặng Trần Dũng Tuấn cho biết: Sau khi nhận bàn giao từ các địa phương, hiện công ty đang quản lý 559 trạm bơm; 12.000 tuyến kênh, mương, với tổng chiều dài gần 5.820km; 358 bai, đập dâng; 85 hồ chứa; 19.776 cống và công trình trên kênh. So với trước khi nhận bàn giao, số công trình công ty đang quản lý tăng 455 trạm bơm, 11.652 tuyến kênh... Thực tế, nhiều công trình do nhân dân tự đầu tư, quản lý, nhiều năm không được tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên nên hiện nay hư hỏng, xuống cấp.

Về hoàn trả kinh phí cho các hợp tác xã đã đầu tư xây dựng công trình, các doanh nghiệp thủy lợi cho rằng nguyên nhân là do các sở, ngành liên quan chưa có hướng dẫn xác định giá trị tài sản còn lại và thành phố chưa ban hành cơ chế, chính sách liên quan nên chưa có cơ sở để thanh toán…

Ngày 28-12-2017, UBND thành phố đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, kiểm tra, có văn bản đôn đốc, hướng dẫn công ty thủy lợi thực hiện chi trả kinh phí cấp bù miễn thu thủy lợi phí năm 2017 cho các hợp tác xã nông nghiệp phần kinh phí tự bơm tưới tiêu; đồng thời, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi được tiếp nhận theo đúng quy định; báo cáo UBND thành phố kết quả xử lý trước ngày 10-1-2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương "khơi thông tắc nghẽn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.