Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp * 5 nhóm giải pháp bình ổn thị trường (HNM) - Sau những tháng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng mạnh 1,31%. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhiều khả năng diễn biến theo hướng không thuận.
Thêm vào đó, vào thời điểm cuối năm, giá hàng hóa dịch vụ thường diễn biến theo xu hướng tăng, gây sức ép đến việc giữ CPI cả năm 2010 ở mức một con số. Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, ngày 11-10, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường.
Sức ép tăng giá
Thống kê cho thấy, trong tháng 9, CPI đã tăng 1,31% so với tháng 8-2010. Đây là mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Nhiều nhóm hàng hóa tăng giá mạnh, đặc biệt, nhóm giáo dục trong tháng 9 đã tăng 12,02% do các địa phương điều chỉnh tăng học phí đại học, cao đẳng và thiết bị giáo dục trước thời điểm năm học mới. Khánh Hòa, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng có mức tăng CPI mạnh nhất. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tích cực triển trai chương trình bình ổn thị trường qua việc cho DN vay ưu đãi để dự trữ hàng hóa, nên đã giữ mức tăng CPI trong tháng 9 ở mức thấp. 9 tháng qua, CPI cả nước đã tăng 6,46% (so với tháng 12-2009).
Nhận định về tốc độ tăng CPI những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, thời điểm cuối năm CPI thường tăng cao do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh vào dịp lễ, tết. Thêm nữa, cuối năm cũng là thời điểm các DN thu mua hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu khiến lượng tiền lưu thông nhiều hơn, gây sức ép tăng giá. Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng cuối năm nay, giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới, như phân bón, gas, thức ăn chăn nuôi…có xu hướng tăng. Thêm vào đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đang có nguy cơ lan rộng, gây khó khăn cho việc khôi phục chăn nuôi và chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp tiêu thụ cao điểm cuối năm. Dự báo, tháng 10, tốc độ tăng giá sẽ ở mức 0,5% và CPI 3 tháng cuối năm 2010 sẽ tăng 1,3-1,5%.
Ổn định nguồn cung hàng hóa
Lựa chọn hàng tiêu dùng tại siêu thị Big C. Ảnh: Như Ý
Tại Chỉ thị số 1875/CT-TTg ban hành ngày 11-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, những tháng cuối năm, kinh tế nước ta sẽ còn khó khăn do nhiều yếu tố không thuận tiếp tục tạo sức ép tới việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả thị trường. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và giữ chỉ số CPI cả năm 2010 ở mức khoảng 8%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Tài chính phối hợp với các ngành chức năng giữ ổn định giá điện, giá than bán cho các hộ sản xuất; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Bộ Công thương có trách nhiệm bảo đảm lượng hàng dự trữ lưu thông, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất và đời sống... Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh…
Để đối phó với những diễn biến bất lợi của thị trường, đầu tháng 10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 22 địa phương lớn, các bộ, ngành và 5 tổng công ty chuyên phân phối các mặt hàng thiết yếu. Tại hội nghị đã đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường những tháng cuối năm. Đại diện Tổng Công ty Xăng dầu cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên bảo đảm lượng xăng dầu dự trữ với số lượng tăng 20% so với yêu cầu. Bộ Xây dựng khẳng định, cung - cầu xi măng, thép khá ổn định, lượng hàng dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 15-30 ngày và hướng tới xuất khẩu.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thị trường cuối năm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, bên cạnh việc cho một số DN đủ điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đã xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, đẩy mạnh xây dựng những nhà máy tập trung sản xuất hàng nông sản, thực phẩm. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tốc độ tăng CPI ở Hà Nội từ tháng 1 đến tháng 8 có xu hướng giảm. Tại TP Hồ Chí Minh, qua việc cung ứng đủ hàng hóa với giá thấp hơn thị trường, CPI cũng luôn ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong các dịp lễ, tết.
Với những giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện, nguồn cung hàng hóa những tháng cuối năm sẽ ổn định, hạn chế tối đa tình trạng khan hàng, sốt giá. Đây là tiền đề quan trọng nhằm giữ tốc độ tăng CPI cả năm nay khoảng 8%, theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra.
5 nhóm giải pháp để bình ổn thị trường - Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. - Thường xuyên rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời ban hành, điều chỉnh các cơ chế, chính sách điều chỉnh, ổn định khi có biến động giá cả. - Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp với các đơn vị phân phối hơn để tiêu thụ, đáp ứng phân phối hàng hóa đều khắp các địa bàn. - Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm. - Tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách, điều hành cũng như thông tin chính xác về diễn biến thị trường, tránh hiện tượng thông tin thất thiệt để trục lợi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.