(HNMCT) - Palembang là trung tâm ẩm thực nổi tiếng trên đảo Sumatra, chỉ sau Padang. Không ít du khách viếng thăm Palembang vì bị hấp dẫn bởi các loài thủy sản tươi rói, các loại gia vị chế từ hàng trăm thứ thảo mộc khác nhau hay những phương pháp nấu ăn bí truyền được người di cư đem tới từ Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc.
Pempek là món ăn đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến khi nhắc về Palembang. Pempek được làm từ thịt cá trắng giã nhuyễn rồi đóng thành bánh với bột sắn. Từng miếng bánh cá có thể được đem luộc, rán hay nướng, nhưng dù chế biến kiểu nào đi nữa thì cũng phải rưới một thứ nước xốt gọi là kuah cuko làm từ giấm, ớt bột, đường thốt nốt, tỏi và muối. Thực khách chỉ cần cắn vào một miếng pempek rưới kuah cuko cùng với dưa chuột tươi và bột tôm là đã biết hương vị của cả trời biển Palembang. Người dân bản xứ còn khéo léo nặn pempek thành những thứ bánh nhồi trứng (kapal selam), xoài (pites)...
Một món đặc sản khác của Palembang là mỳ mie celor. Những sợi mỳ mie celor vàng óng lại càng thêm phần hấp dẫn khi trần qua nước hàng làm từ tôm (tươi hoặc khô) đun trong sữa dừa. Một bát mie celor thường có tôm, một quả trứng luộc, giá và các loại rau thơm khác. Không có gì tuyệt vời hơn việc bắt đầu một ngày mới bằng cách “đánh thức” các giác quan của mình bằng bát mỳ mie celor.
Trái với pempek và mie celor là món ăn đường phố, pindang ikan thường thấy nhiều hơn trong các gia đình Palembang. Ikan là tên một loài cá tra được đánh bắt ngay trong vùng, nhưng các bà nội trợ cũng có thể dùng cá chép, cá quả, cá diêu hồng. Còn pindang chỉ phương pháp nấu món ăn này, đó là luộc cá trong nước có me, tỏi, hành khô, bột ớt, sả, mắm tôm, đường thốt nốt... Thứ nước này chua nhưng đậm đà, hương vị phong phú. Pindang ikan có thể ăn như canh, hoặc có thể để sôi đến cạn nước rồi phơi ngoài nắng cho cá khô. Đấy là cách người Indonesia bảo quản cá từ hàng nghìn năm nay.
Nhiều du khách khi rời khỏi Palembang không quên xách về mấy bao gạo. Họ muốn đem về gian bếp của mình hương vị của món nasi minyak. Dấu vết ẩm thực Ấn Độ và Trung Đông của nasi minyak nằm ở cách các đầu bếp nấu gạo với bơ ghee. Những hạt gạo vốn tự thân đã thơm, nay lại càng nức mũi nhờ ghee và ngũ vị hương. Khó tìm được cảm giác “thần thánh” hơn việc thưởng thức nasi minyak cùng với ayam kecap (thịt gà ninh tương) hay malbi (bò hầm). Nơi tốt nhất để du khách thưởng cho mình một đĩa nasi minyak là các chợ đêm mà trong tiếng Indonesia gọi là pasar malam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.