(HNM) - Theo kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực” cho thấy, một số nơi còn lúng túng, chậm tiến độ.
Ban Pháp chế HĐND thành phố khảo sát thực tế về công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở may công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì . |
Chậm vì nhiều nguyên nhân
Ngay sau khi có Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND để chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện. Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố, bước đầu các đơn vị đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai gắn với lộ trình chung theo kế hoạch của UBND thành phố.
Dù có cố gắng, song đa số các công trình đều cần số kinh phí lớn, liên quan đến bảo đảm kỹ thuật, nên việc khái toán cụ thể khắc phục những vi phạm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND và Kế hoạch số 183/KH-UBND của các đơn vị đều chậm. Đáng lưu ý, một số quận, huyện còn chậm ban hành kế hoạch thực hiện, quyết định thành lập tổ công tác để khắc phục những công trình vi phạm (Đống Đa, Tây Hồ, Hà Đông, Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức).
Đặc biệt, việc rà soát các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND còn sót nhiều. Cụ thể, loại hình nhà ở tập thể cũ (các khu tập thể 5 tầng cấp cho cán bộ, công nhân viên thời bao cấp) chưa có trong danh mục; các cơ sở có trong danh mục chưa được phân loại cụ thể đối với từng loại sở hữu, cơ quan quản lý, nguồn cấp ngân sách; một số cơ sở thuộc loại hình như chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh gas, xăng dầu cũng chưa được đưa vào danh mục cần khắc phục.
Theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, do đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND rất đa dạng và phức tạp (số lượng đối tượng rà soát lần hai tăng gần hai lần so với lần đầu), trong khi hiện chưa có văn bản pháp luật cụ thể hướng dẫn quy trình, điều kiện khắc phục với từng loại hình, cơ sở phải điều chỉnh… dẫn đến hiệu quả khắc phục chưa như mong muốn.
Ngoài nguyên nhân khách quan trên còn do một số sở, ngành, quận, huyện chưa quan tâm đúng mức; còn tâm lý ỷ lại và giao phó toàn bộ nội dung thực hiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành; giữa các sở, ngành với UBND các quận, huyện, thị xã trong rà soát, xác định đối tượng, đôn đốc các cơ sở thực hiện chưa quyết liệt.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình chia sẻ thêm khó khăn: “Một số trường học, cơ quan, bộ, ngành của trung ương chưa đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nếu áp dụng biện pháp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động sẽ gây khó khăn, tạo dư luận không tốt. Nhưng chúng ta cũng không thể chỉ tập trung xử lý, đình chỉ cơ sở tư nhân, mà cần có giải pháp căn cơ, phù hợp với từng loại hình cụ thể để bảo đảm khách quan, công bằng trong áp dụng biện pháp xử lý”.
Có lộ trình nhưng phải kiên quyết
Theo kiến nghị của nhiều quận, huyện, UBND thành phố cần gia hạn thời gian khắc phục đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy bởi nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện rất lớn, nhất là đối với cơ sở sử dụng vốn ngoài ngân sách. Ngoài ra, UBND các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì cũng kiến nghị, việc yêu cầu các cơ sở trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND thực hiện theo quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD của Bộ Xây dựng là khó thực hiện đối với các tồn tại về cơ sở hạ tầng, kiến trúc công trình, giao thông…
Vì thế, UBND các quận, huyện đề xuất với UBND thành phố tăng cường bổ sung các giải pháp khác để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy như: Lắp đặt cửa chống cháy; lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống cảnh báo cháy sớm, bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc...; đồng thời huấn luyện, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho những người sống và làm việc tại các cơ sở này.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, sau đợt giám sát, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tiến độ triển khai các nội dung theo kế hoạch của UBND thành phố, trong đó đặc biệt chú trọng đến những công trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ như khách sạn, nhà chung cư, nhà tập thể cũ, các cơ sở sản xuất, kho bãi… Bên cạnh đó, Ban Pháp chế cũng đề nghị lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
“Việc khắc phục cần có lộ trình, nhưng đối với cơ sở cố tình chây ỳ, thì phải có biện pháp mạnh, quyết liệt như xem xét đình chỉ hoạt động, có ý kiến với đơn vị chủ quản; đưa vấn đề khắc phục về phòng cháy, chữa cháy vào nội dung thi đua của cụm… Có như vậy mới sớm hoàn thành công tác khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, tránh để xảy ra những vụ cháy đau lòng như thời gian vừa qua”. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.