Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục triệt để “bệnh” hình thức

An Trân| 21/11/2013 05:54

(HNM) - Sáng 20-11, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị ủy triển khai kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.



Nội dung và cách thức tiến hành đã được hội nghị thảo luận, thống nhất nhằm khẳng định quyết tâm của Đảng bộ Thủ đô tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4.

Tại Kế hoạch 104 về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo việc kiểm điểm phải chặt chẽ, nghiêm túc, đúng nguyên tắc, phát huy tính tự giác, trung thực, khách quan, tránh hình thức. Qua đó, các cấp ủy đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phong cách, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đối tượng kiểm điểm lần này gồm tập thể các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở và cá nhân đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố (trừ đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt Đảng). Kết quả kiểm điểm của tập thể sẽ làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể và đánh giá cán bộ, đảng viên, làm căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên hằng năm đối với các tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, cách thức tiến hành của năm 2013 có điểm mới đó là gắn việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, thay vì làm riêng từng nội dung như năm trước. Do vậy, người kiểm điểm nhiều nhất cũng chỉ ba lần (đối với đảng viên là lãnh đạo) và ít nhất là một lần (đối với đảng viên không giữ chức vụ). Yêu cầu kiểm điểm phải trung thực, khách quan, toàn diện, khắc phục triệt để "bệnh" hình thức. Đối với kiểm điểm của tập thể phải đánh giá cả 4 nội dung như về nhiệm vụ chính trị cần đánh giá toàn diện các mặt về phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và công tác xây dựng Đảng. Hay trong nguyên tắc tập trung dân chủ, phải kiểm điểm kỹ công tác cán bộ, rõ trách nhiệm của người đứng đầu (có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hay không, có vi phạm về công tác cán bộ, điều hành...). Báo cáo của cấp ủy phải có phần kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 4, hướng khắc phục những tồn tại trong kiểm điểm NQ TƯ 4 và kết quả thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với 3 nội dung về phong cách quần chúng, phong cách nêu gương và phong cách dân chủ.

Thống nhất cao với các nội dung, Kế hoạch 104 của Thành ủy, các quận, huyện, thị ủy đều khẳng định, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 là việc làm thiết thực nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy, TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, việc kết hợp nhiều nội dung trong thực hiện đã góp phần rút ngắn thời gian và tạo thuận tiện cho cơ sở trong triển khai.

Tại hội nghị, trả lời vấn đề được nhiều quận, huyện như Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Thường Tín, Mỹ Đức, Ba Vì quan tâm về việc thực hiện kiểm điểm đối với cán bộ chủ chốt nhưng không thuộc cấp ủy, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy cho biết, với các đảng bộ xã, phường, các ủy viên ban thường vụ sẽ kiểm điểm tại ban chấp hành, các phó chủ tịch HĐND và UBND có thể tiến hành kiểm điểm ngay hội nghị của cấp ủy. Tương tự, ở cấp quận, huyện, phó chủ tịch HĐND và UBND và các chức danh tương đương sẽ kiểm điểm tại tập thể ban thường vụ quận, huyện, thị ủy.

Một số ý kiến của các cấp ủy cho rằng, quy định số TCCSĐ được khen thưởng tối đa không vượt quá 20% tổng số TCCSĐ đạt TSVM theo Hướng dẫn số 07-HD/BTCTƯ ngày 11-10-2011 của Ban Tổ chức TƯ về đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hiện không phù hợp với thực tế của nhiều đơn vị. Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Việt Xô phản ánh, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ TCCSĐ của Đảng bộ khối đạt TSVM thường chiếm 20-25%. Trên thực tế nhiều đơn vị rất mạnh, hoạt động tốt, nếu "ép" tỷ lệ khen thưởng tối đa không quá 20% sẽ ảnh hưởng tới thành tích của các đơn vị. Ghi nhận thực tế này, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy cho biết, trong khi chưa có hướng dẫn mới việc triển khai vẫn áp dụng theo Hướng dẫn số 07 của Ban Tổ chức TƯ. Về quá trình thực hiện, việc kiểm điểm được triển khai theo trình tự tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau.

Với 58 đảng bộ trực thuộc, Đảng bộ TP Hà Nội hiện có số đảng viên đông nhất trong các đảng bộ trực thuộc TƯ. Kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình gắn với Nghị quyết TƯ 4 của Đảng bộ thành phố không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại của TCCSĐ và cán bộ đảng viên của thành phố mà có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước. Vì vậy, quyết tâm của Đảng bộ Thủ đô là triển khai nghiêm túc, có hiệu quả việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4, góp phần tạo chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

Theo kế hoạch của Thành ủy, cấp ủy cơ sở và đảng viên phải hoàn thành kiểm điểm xong trước ngày 31-12-2013. Các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố hoàn thành xong trước ngày 10-1-2014. Ban Thường vụ Thành ủy hoàn thành kiểm điểm xong trong tháng 1-2014.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục triệt để “bệnh” hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.