(HNM) - Chỉ 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam sẵn sàng góp ý vào tất cả các dự thảo về chính sách và pháp luật, 45% sẽ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh. Đây là kết quả điều tra được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong tháng 8 này.
Sở dĩ có kết quả trên, theo ông Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty Tư vấn VFFAM Việt Nam là do hoạt động tham vấn chính sách pháp luật ở Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức. Khi được mời đến dự các cuộc tham vấn doanh nghiệp, ông thường bỏ nhiều công sức đọc tài liệu và đưa ra góp ý, cuối cùng nhận được câu "xin chân thành cảm ơn" nhưng… không thấy tiếp thu. Nhìn rộng hơn, không chỉ doanh nghiệp, tiếng nói của người dân, các tổ chức - xã hội góp ý vào các dự thảo chính sách, pháp luật còn khá mờ nhạt và cũng chưa có cuộc điều tra nào xem các ý kiến đóng góp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp được nghiên cứu, tiếp thu đến đâu. Còn theo báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố hằng năm, các nội dung phản hồi (nếu có) đều chung chung, theo nhóm vấn đề.
Lý giải cho tình trạng này, không ít bộ, ngành cho rằng vì "thiếu nhân lực". Mặt khác, các bộ, ngành cũng dẫn chứng, nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù được đăng tải công khai trong thời gian khá dài trên cổng thông tin của mỗi bộ, ngành nhưng chỉ nhận được rất ít ý kiến. Trên thực tế, đa số người dân, doanh nghiệp còn bận rộn với việc mưu sinh nên chưa quan tâm lĩnh vực xây dựng pháp luật. "Lỗi" từ phía cơ quan lấy ý kiến một phần là do cách thức đăng tải chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người dân và đối tượng chịu sự tác động tham gia ý kiến. Các cơ quan chủ trì soạn thảo thường đưa một lượng thông tin "khổng lồ" mà không "định hướng", nêu ra những điểm mới khác, liên quan sát sườn, tác động trực tiếp đến đối tượng làm cho việc tham gia ý kiến trở nên khó khăn.
Cần lưu ý rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo các chính sách, pháp luật hiện nay phần lớn là cơ quan trực tiếp quản lý ngành, lĩnh vực nên xu hướng đưa ra các quy định rất có thể nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý. Vì thế, việc người dân, các tổ chức - xã hội tham gia quá trình hoạch định chính sách có thể được xem là một biện pháp bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích của cơ quan quản lý và người dân ngay từ khi chính sách, pháp luật đang được soạn thảo. Đã đến lúc cần khắc phục tình trạng xin ý kiến nửa vời, tiếp thu "nửa vời" bằng những chế tài cụ thể ngay trong việc xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được Bộ Tư pháp tiến hành. Đây là một trong những yếu tố góp phần để việc xây dựng chính sách, pháp luật đáp ứng các yêu cầu: Một là, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết những vấn đề nổi lên trong xã hội; hai là, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; ba là, đạt sự đồng thuận cao của người dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách, pháp luật đó như Quốc hội mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.