Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Đức Anh - Phương Nguyên| 12/03/2019 07:19

(HNM) - Hiện, việc phân bổ vốn đầu tư công đang chậm đã kéo theo tình trạng triển khai kế hoạch vốn và giải ngân chậm...

Khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc cần đẩy nhanh tiến độ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để chậm trễ; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.


Giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp

Mặc dù đã qua hai tháng đầu năm 2019 nhưng tình trạng phân bổ vốn đầu tư công chưa có nhiều tiến triển. Theo kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt, năm 2019 tổng vốn này phải thực hiện là 416.000 tỷ đồng. Tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn hơn 355.617 tỷ đồng. Như vậy còn hơn 58.319 tỷ đồng chưa được giao vốn do chưa đủ điều kiện. Bộ Tài chính cho biết với số vốn đã được Thủ tướng giao, ước giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2019 là 4,52% kế hoạch vốn, cao gấp 2,31 lần cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết cho các dự án; các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đấu thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm nay và vẫn còn tâm lý “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Với sự sát sao của Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những tháng đầu năm để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, “nếu không sớm khắc phục tình trạng giải ngân vốn chậm, việc phải vất vả “chạy nước rút” những tháng cuối năm sẽ khó tránh khỏi”.

Tăng cường thanh tra, giám sát

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp các dự án đáp ứng đủ điều kiện giao vốn để trình Thủ tướng tiếp tục giao kế hoạch đối với số vốn hơn 58.319 tỷ đồng. Nếu dự án không đủ điều kiện giao vốn kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.

Đối với số vốn đã được Thủ tướng giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn cho các dự án đúng quy định và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Các bộ, ngành địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế dự toán, thủ tục đấu thầu và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ những tháng đầu năm; rà soát các vướng mắc trong thực hiện và thanh toán để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương phải có các biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện thủ tục liên quan tới giải ngân vốn đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3-8-2017 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, trong đó phải gửi báo cáo định kỳ hằng tháng về tình hình triển khai tới các bộ để báo cáo Thủ tướng.

Đối với các dự án đã được giao vốn kế hoạch năm 2018 nhưng chưa giải ngân hết và có nhu cầu kéo dài sang năm 2019, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Trong 3 năm qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm do vướng các quy định về thủ tục trong Luật Đầu tư công năm 2014, làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án đầu tư và tới cả tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tới nay, nhiều luật, nghị định của Chính phủ đã được chỉnh sửa, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn về thủ tục, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Tuy nhiên, trong mặt bằng chung “chậm trễ” đó và trong cùng một hệ thống pháp luật, vẫn có các bộ, ngành và địa phương triển khai tiến độ giải ngân nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Do vậy, trong điều kiện Luật Đầu tư công năm 2014 chưa được Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung thì trách nhiệm và ý thức công vụ là yếu tố quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân theo yêu cầu của Quốc hội.

Tại Điều 5, Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã quy định các bộ, ngành và địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp. Trường hợp phát hiện thì xử lý theo quy định hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình khác...

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công khai và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân của các bộ, ngành và địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công... - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.