Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng bất hợp lý, kém hiệu quả

Khánh Khoa| 11/11/2011 06:39

Trong 100.000ha đất đã quy hoạch, bình quân mới sử dụng 46% *Không nên quy hoạch lấy thêm đất cho các cụm công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghiệp


Nhiều đại biểu đề xuất không nên tiếp tục cấp đất cho các dự án KCN bởi hiệu quả không cao. Ảnh: Bá Hoạt

Thảo luận về kế hoạch sử dụng đất, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu, hiện nay trong số 277 KCN có đến 90 khu đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Với 100.000ha đã quy hoạch, bình quân mới sử dụng 46%. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần giải trình rõ 54% còn lại bao giờ lấp đầy, đến năm 2015 liệu đã xong chưa? ĐB Trần Du Lịch dẫn chứng, giá trị sản xuất công nghiệp TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 28% giá trị công nghiệp chung cả nước, nhưng tới nay diện tích KCN mới lấp đầy 2.500ha và quy hoạch đang xây dựng là 4.000ha. Do đó, trước khi biểu quyết thông qua chỉ tiêu kế hoạch 150.000ha đất công nghiệp đến năm 2015 và 200.000ha đến năm 2020, Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải làm rõ tổng mức đầu tư của các ngành công nghiệp và suất đầu tư trên 1ha là bao nhiêu? Đến năm 2015 nếu mở thêm 50.000ha nữa thì dự kiến bao giờ lấp đầy, năm 2020 hay lâu hơn nữa?

Cho rằng việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất chưa hiệu quả, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) nêu dẫn chứng, trong tổng số vốn đăng ký đầu tư vào KCN đến nay chỉ thực hiện được 32%. Trong các KCN có đến gần 7.000 dự án đang sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ tạo ra được khoảng 25% GDP và đóng góp vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 1 tỷ đô la. Cũng có tới 650 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 28.000ha đất nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ 44%. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2006-2008, khi QH có ý kiến rất gay gắt, Chính phủ đã chỉ đạo cắt đi nhiều dự án sân gôn. Nhưng vừa rồi lại bổ sung thêm 28 dự án sân gôn nữa và mất thêm khoảng 6.000ha đất. Đặc biệt, sân gôn chỉ sử dụng 1/3 diện tích theo quy hoạch, còn lại dùng để xây biệt thự cao cấp và các dịch vụ khác. Như vậy, các dự án chưa đúng bản chất, thực hiện chưa nghiêm chỉnh. Trong khi đó, bất hợp lý là đất dành cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 13%, trong khi tiêu chuẩn quốc tế quy định ít nhất phải là 25%. ĐB Học kiến nghị, không nên quy hoạch lấy thêm đất cho các cụm công nghiệp, khu kinh tế và KCN. Cần rà soát hiệu quả, điều chỉnh diện tích, thậm chí có thể loại bỏ KCN, cụm công nghiệp kém hiệu quả để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Liên quan đến quản lý sử dụng đất trồng lúa, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) băn khoăn, trong 10 năm qua, 270.000ha đất lúa đã bị chuyển sang đất đô thị, đất công nghiệp. Nếu chỉ tính 1/4 diện tích đất này nằm chờ hoàn thiện các thủ tục hoặc thiếu vốn trong 2 năm thì đã giảm thu khoảng 5.400 tỷ đồng, chưa kể lao động nông nghiệp không có việc làm. Từ thực trạng trên, ĐB đề nghị, sử dụng đất đến đâu thì cắt đến đó hoặc có đủ điều kiện thì mới chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không thể cắt đất một loạt rồi để không.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương và cả nước chưa được tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu quỹ đất và thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ nên dẫn tới thành phong trào, tỉnh nào cũng đề xuất Chính phủ cho quy hoạch các dự án khu đô thị, KCN, khu kinh tế tràn lan, gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của nhân dân. Đơn cử, QH phê duyệt đất ở đô thị đến năm 2010 là 111.000ha nhưng các địa phương đã lập dự án và triển khai tới 134.000ha, vượt 20,72%, dẫn tới hệ lụy cung vượt cầu, nhiều dự án xây dựng nhà ở xong bỏ hoang không có người mua.

Cũng trong phiên họp sáng 10-11, ĐBQH đã thảo luận về dự án trồng mới 5.000.000ha rừng. Chiều cùng ngày, ĐBQH thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử phạt hành chính.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng bất hợp lý, kém hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.