Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em: Cần lên tiếng và hành động

Hà Hiền| 14/03/2019 07:09

(HNM) - Trong những năm gần đây, trước mỗi vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em xảy ra, cả xã hội đều lên tiếng phê phán. Các cơ quan chức năng cũng thực hiện nhiều giải pháp can thiệp, xử lý vi phạm.

Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục đến người lao động.


Lên tiếng là cần thiết

Những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước xảy ra không ít vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em. Nổi cộm là vụ việc chị P.H.V (20 tuổi), sinh viên một trường đại học ở Hà Nội bị người đàn ông lạ mặt sàm sỡ trong thang máy của chung cư Golden Palm, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) vào đêm 4-3. Ngay sau khi thoát khỏi đối tượng này, chị P.H.V đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Cùng khoảng thời gian này, thầy giáo Dương Trọng M, chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) bị phụ huynh tố cáo về hành vi dâm ô một số học sinh lớp 5. Trước đó, một thầy giáo ở Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cũng bị tố cáo có lời lẽ, thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực với nữ sinh.

Ngoài những vụ việc nêu trên, sự lên tiếng mạnh mẽ của người dân và cộng đồng đã góp phần phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. “Đại đa số vụ việc liên quan đến trẻ em đã bị xử lý.

Điển hình như vụ Nguyễn Khắc Th. dâm ô trẻ em ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị tuyên phạt tù; những người liên quan đến vụ bạo lực trẻ em tại Trường Mầm non Mầm Xanh, thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở Mẹ Mười ở thành phố Đà Nẵng đã bị pháp luật trừng trị thích đáng...”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay.

Đối với phụ nữ, 58% số người tham gia cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình phản ánh, bản thân họ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Thay vì im lặng, hàng nghìn phụ nữ đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ.

Chị Lê Thị L, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) nhớ lại: “Gần 10 năm trước, tôi đi xuất khẩu lao động với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình. Ngày trở về, tôi phải sống trong đau đớn do chồng đánh đập, ngoại tình. Để tìm lối thoát, tôi phải làm đơn tố cáo chồng; đồng thời tìm đến sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ. Sau thời gian tạm lánh tại Ngôi nhà bình yên, đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), cuộc sống của tôi đã thực sự bình yên”.

Cần hành động bảo vệ toàn diện

Khác với các loại tội phạm khác, đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, quen với 21,3% là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ hàng; 6,2% là thầy giáo, nhân viên nhà trường; 59,9% là người quen, hàng xóm… Đối với phụ nữ trưởng thành, đa số đối tượng bị bạo lực đều là bạo lực gia đình. Do đó, sự lên tiếng mạnh mẽ của “người trong cuộc” là giải pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân, người thân.

“Tuy nhiên, do những định kiến về giới còn tồn tại, nhiều nạn nhân bị bạo lực, xâm hại chưa mạnh dạn lên tiếng tố cáo. Vì vậy, số vụ việc được phát hiện chưa phản ánh đúng tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em ở nước ta hiện nay”, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định.

Để khắc phục tình trạng này, các ngành, địa phương đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang vận động một số doanh nghiệp lớn đưa số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 lên bao bì sản phẩm, để người dân biết cách tìm sự trợ giúp khi cần thiết.

Ngành Giáo dục và Đào tạo trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi có nguy cơ dẫn đến bạo lực, xâm hại ở học đường. Ngành Y tế tập huấn kiến thức thực hành cho cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ tiếp nhận, chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại… Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành công tác trẻ em.

Đáng chú ý, từ năm 2012 đến nay, thành phố Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam xây dựng mô hình “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” nhằm tạo ra môi trường cho trẻ em gái mọi chỗ, mọi nơi; xây dựng hơn 1.600 mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực; xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

“Với hướng đi này, đại đa số phụ nữ, trẻ em ở Hà Nội được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ khỏi nạn bạo lực, xâm hại”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngô Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư ANT cho rằng, Bộ luật Hình sự nên có quy định cụ thể về hành vi dâm ô. Người phạm tội liên quan tới trẻ em phải chịu thêm các hình phạt như không được hành nghề liên quan đến trẻ em; không được tiếp cận với trẻ em trong phạm vi nhất định…

Tại lễ phát động "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em" diễn ra ngày 6-3 vừa qua, do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành, địa phương “lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động”. Đây là thông điệp để các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội chung tay khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em: Cần lên tiếng và hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.