Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục nợ bảo hiểm xã hội - Bài toán vẫn khó tìm lời giải

Vũ Minh| 25/07/2022 14:23

(HNMO) - Tình trạng đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động trên địa bàn Hà Nội còn cao, làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Tuy nhiên, việc làm thế nào để khắc phục tình trạng này vẫn là bài toán khó tìm lời giải.

 Đại diện các địa phương kiến nghị sớm khắc phục tình trạng nợ BHXH tại Hội nghị báo cáo viên thành phố tháng 7-2022 về BHXH, BHYT. 

Chủ động khắc phục

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, những tháng đầu năm nay, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất tại các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về đóng BHXH. Sau thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp khắc phục nợ với số tiền hơn 274 tỷ đồng; yêu cầu đóng, truy đóng của gần 200 lao động do chưa đóng, đóng thiếu thời gian hoặc thiếu mức quy định với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Mừng hơn, sau khi doanh nghiệp khắc phục nợ, hàng trăm lao động đã được giải quyết các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản).

Chị Lê Thị Trúc, làm việc tại Trường Đại học Hòa Bình (trụ sở tại quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Sau thời gian ngắn nhà trường khắc phục nợ BHXH, tôi và một số đồng nghiệp được hưởng các quyền lợi chính đáng. Cá nhân tôi đã nhận trợ cấp thai sản với số tiền hơn 40 triệu đồng”.

Không riêng những tháng đầu năm 2022, mà công tác thanh, kiểm tra về nợ đóng BHXH luôn được thành phố Hà Nội chú trọng. Nhờ đó, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn Hà Nội giảm còn 1,98% so với kế hoạch phải thu, góp phần mang đến niềm vui cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nợ đóng BHXH, BHYT của người lao động. Ngoài ra, một số đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng thiếu cho người lao động. Đây là những nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng BHXH tăng trong thời gian gần đây.

Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, thời điểm cuối tháng 6-2022, tổng số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội là hơn 4.955 tỷ đồng, bằng 8,68% kế hoạch cần thu. Con số này tuy giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 và những tháng liền kề trước đó, nhưng tỷ lệ nợ kéo dài, phải tính lãi còn cao. Số nợ phải tính lãi hiện lên tới hơn 1.822 tỷ đồng, bằng hơn 3,23% kế hoạch thu; số nợ kéo dài từ 12 tháng trở lên, khó thu hồi lên tới hơn 1.872 tỷ đồng…

 Công tác thanh tra, kiểm tra về nợ đóng BHXH được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chú trọng thực hiện.

Vẫn khó xử lý

Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý “mạnh tay” hơn. Chẳng hạn, đầu tháng 3-2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về khắc phục hạn chế, khuyết điểm về số nợ BHXH tăng cao. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các bên liên quan kiên quyết xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, nợ BHXH của người lao động. Trong quá trình thanh tra, phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm hình sự về BHXH, BHYT thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Ngoài ra, thành phố Hà Nội không vinh danh, khen thưởng, không xét tham gia đấu thầu và đầu tư dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp có nợ BHXH, trốn đóng, không tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động.

Còn theo Luật BHXH, việc trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp… là những hành vi bị nghiêm cấm. Quy định đã rõ, chế tài xử phạt đã có, vậy tại sao các cơ quan chức năng chưa thể giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đóng BHXH, nhất là xử lý hình sự?

Quá trình giải quyết tình trạng nợ đóng BHXH tại thành phố Hà Nội cho thấy, việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành có sự chồng chéo. Ví dụ, thực hiện quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 14 Luật BHXH, từ ngày 1-1-2016, chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được chuyển từ cơ quan BHXH sang Tổ chức Công đoàn thực hiện, dẫn đến việc khởi kiện gặp nhiều khó khăn. Tổ chức Công đoàn muốn khởi kiện phải có sự ủy quyền của người lao động, trong khi thực tế rất hiếm người lao động khởi kiện chính đơn vị mình đang làm việc…

“Điều này lý giải vì sao, những năm gần đây, Hà Nội chuyển gần 200 hồ sơ công đoàn khởi kiện sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý, tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị khởi kiện”, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nói.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết thêm, để chủ động khắc phục, ngành Công an phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH và các bên liên quan mời các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng kéo dài yêu cầu giải trình, khắc phục nợ đóng, qua đó có những đơn vị đã chủ động khắc phục. Vấn đề cần quan tâm nữa là, các quy định của pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ về biện pháp quản lý các đơn vị, số tiền chậm đóng, đặc biệt là doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, có chủ sở hữu bỏ trốn, khiến các bên liên quan lúng túng trong quá trình thực hiện thu hồi nợ… 

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ hơn, việc khắc phục nợ đóng BHXH vẫn là bài toán khó tìm lời giải. Để giải bài toán này, BHXH Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến BHXH cho thống nhất. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định chi tiết về quản lý nợ BHXH đối với các đơn vị mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng giao dịch; đồng thời, có cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục nợ bảo hiểm xã hội - Bài toán vẫn khó tìm lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.