(HNM) - Ngày 27-10, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020...
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN |
Chỉ rõ những hạn chế, bất cập
Tại phiên thảo luận, bên cạnh ghi nhận những thành tựu, các đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập và đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, đưa đất nước phát triển bền vững. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian qua, đất nước ta đã có tiến bộ rất nhanh về năng suất lao động và liên tục thu hẹp khoảng cách với các nước. Ví dụ, năm 1975, năng suất lao động của Nhật Bản gấp 50 lần Việt Nam, năm 2008 còn gấp 30 lần, năm 2017 còn gấp 18 lần.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta có thể tăng năng suất lao động nhanh hơn và đại biểu kiến nghị các nhóm yếu tố cần quan tâm để nâng cao năng suất lao động như: Trình độ công nghệ; xác định mô hình sản xuất phù hợp; xây dựng thương hiệu; phát triển thị trường tín dụng hiệu quả; quan tâm thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài; nâng cao trình độ người lao động; phát triển khoa học và công nghệ...
Vấn đề cải cách thể chế và việc thực thi tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm, kiến nghị. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp. Theo đại biểu, cử tri và nhân dân mong đợi sự cải cách, đổi mới của Chính phủ và mong quyền lợi hợp pháp được bảo đảm. Thế nhưng, một bộ phận cán bộ trong bộ máy cơ quan nhà nước vẫn vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân.
Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn Hòa Bình) dẫn số liệu năm 2017 có 5.639 văn bản trái pháp luật, trái căn cứ pháp lý, trái nội dung, thẩm quyền ban hành, đại biểu đề nghị, Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý nghiêm bộ, ngành, địa phương ban hành những văn bản này tùy theo mức độ tác hại đối với đời sống kinh tế - xã hội, môi trường kinh doanh. Bởi hệ quả của những văn bản trái pháp luật là làm giảm niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Nêu câu hỏi về mục tiêu có đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, hơn 10 năm trước, khi còn tại nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt ra mục tiêu nước ta có được 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010, nhưng chúng ta đã trễ hẹn tới 6 năm để thực hiện mục tiêu này. Vậy lần này, liệu chúng ta có thêm một lần lỡ hẹn?
Theo đại biểu, điểm nghẽn là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bảo đảm các doanh nghiệp này không chỉ không bất lợi so với các doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.
Để khai thông điểm nghẽn, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi các Luật Kế toán và Luật Thuế để có một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Với phương châm chính sách là “tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp”, theo tinh thần thực thi là “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng” thì mục tiêu có được 1 triệu, 2 triệu hay 3 triệu... doanh nghiệp sẽ trong tầm tay” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Không có chủ trương phá giá đồng tiền
Trong ngày 27-10, 3 vị “tư lệnh” ngành Y tế, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở có tiến bộ rõ nét, chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám, chữa bệnh đạt 76%...
Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các bệnh viện trung ương tuyến cuối vẫn tồn tại, chất lượng cơ sở hạ tầng không đồng đều giữa các vùng miền… Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, thực hiện cơ chế “kiềng 3 chân” gồm: Xây dựng y tế cơ sở; chăm sóc bệnh nhân chu đáo, toàn diện và xây dựng cơ sở hạ tầng y tế bảo đảm để phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trong năm 2018 và 2019, bộ sẽ xử lý các vấn đề nhằm khắc phục triệt để tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả vào năm 2020. Trên cơ sở các tiêu chí, Bộ Công Thương sẽ sớm báo cáo với Chính phủ đưa ra khỏi danh sách này một số dự án đã làm ăn có lãi. Việc đưa ra khỏi danh sách không phải để lấy thành tích, mà để tạo điều kiện cho các dự án, nhà máy này hòa nhập vào đời sống của cộng đồng kinh tế, khắc phục các hạn chế và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, nền kinh tế tới đây phải thực hiện mục tiêu kép là phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện, giai đoạn tới sẽ phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, nhằm đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, cần tập trung xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả về vốn, đất đai, công nghệ thì mục tiêu này là trong tầm tay.
Tham gia giải trình tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát. Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết”.
Kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lãi, dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức 60 tỷ USD, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và ngoại thương.
“Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua hai ngày đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu, 3 đại biểu tham gia tranh luận. Nội dung thảo luận rộng, toàn diện, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính phản biện khá cao. Những ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện nghị quyết trình Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.