Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết quả từ quyết tâm và nỗ lực

Hồng Sơn| 21/01/2021 06:32

(HNM) - Hà Nội vừa đi qua một năm đầy thách thức, bất lợi nhưng cũng thu về nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định đó là kết quả của sự vào cuộc đầy quyết tâm và nỗ lực nhằm nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thủ đô.

Kiểm tra sản phẩm điện thoại tại Nhà máy Sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart, Tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Viết Thành

- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98%, cao hơn hẳn so với mức tăng chung của cả nước. Ông bình luận gì về thông tin này?

- Năm 2020, Hà Nội đạt mức tăng trưởng GRDP 3,98%. Đây là con số rất ý nghĩa và đáng ghi nhận trong hoàn cảnh bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra. Như đã biết, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Với kết quả này, Hà Nội đã khẳng định rõ tầm vóc, vai trò và sự đóng góp to lớn vào nền kinh tế đất nước, góp phần khắc phục khó khăn, phát huy tối đa khả năng, cơ hội trong điều kiện hạn hẹp về thị trường, nguồn cung đầu vào và đầu ra cho sản phẩm...

- Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân mang tới những kết quả đáng ghi nhận đó?

- Thành tựu phát triển kinh tế tích cực thời gian qua chắc chắn do quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như tác động tích cực của một số kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Hà Nội đang nỗ lực thực hiện thời gian qua. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2015-2020 tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng chung của cả nước; từ vị trí 24 năm 2015 lên vị trí 9 năm 2020. Cần nhấn mạnh rằng, đà tăng tiến của Hà Nội trong bảng PCI diễn ra trong bối cảnh các địa phương khác cũng vào cuộc, có sự cạnh tranh liên tục về thứ hạng trong làn sóng cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên phạm vi cả nước.

- Ông có thể chỉ ra những hạn chế, điểm nghẽn hiện nay của Hà Nội?

- Kỳ vọng của cả nước vào sự phát triển của Hà Nội là rất lớn, ở tầm mức cao hơn hẳn so với tư duy thông thường. Do đó, Hà Nội phải luôn đứng đầu cả nước trên mọi mặt kinh tế - xã hội. Quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế vẫn còn những hạn chế đòi hỏi Hà Nội nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) còn chưa như mong muốn. Một số mặt, tiêu chí về môi trường kinh doanh (theo báo cáo PCI) chậm được cải thiện hoặc còn ở mức thấp, như: Chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch…

Ngoài ra, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu không làm tốt, cũng sẽ trở thành điểm nghẽn trong phát triển về dài hạn. 

- Ông đánh giá thế nào về những động thái nhằm phát triển kinh tế của Hà Nội thời điểm hiện tại?

- Tôi được biết Hà Nội vừa tổ chức triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đây chính là thực tế thể hiện sự quyết tâm, tranh thủ thời gian để bứt phá, phục hồi kinh tế của Thủ đô ngay từ đầu năm. Được biết, năm nay, Hà Nội tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS, thăng hạng các chỉ số PCI... Tất cả được lồng ghép, thực hiện theo tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

- Theo ông, Hà Nội cần có những giải pháp gì để có thể bứt phá trong năm 2021 và thời gian tiếp theo?

- Trước hết, tôi nhận thấy thành phố Hà Nội đang kiên trì tư duy phát triển dài hạn và lớn hơn, chứ không chỉ so sánh và nhìn nhận với các địa phương khác trong một giai đoạn ngắn. Điều đó có nghĩa, Hà Nội cần đặt trong bối cảnh so sánh với thủ đô các nước khác trong khu vực và thế giới để đưa ra mục tiêu phát triển. Trong diễn biến của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội đã nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo và mang tính dẫn dắt cả nước. Việc xác định trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo dẫn đầu khu vực là khát vọng và mục tiêu ưu tiên hàng đầu để hiện thực hóa.

Bên cạnh đó, Thủ đô nên xác định mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển theo chiều sâu và giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm các vấn đề xã hội, dân sinh.

Tôi ấn tượng với một số mục tiêu của Hà Nội trong năm 2021 về phát triển kinh tế, như GRDP tăng trên 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%... Hy vọng, những con số trên sẽ trở thành hiện thực khi kết thúc năm 2021.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả từ quyết tâm và nỗ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.