Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn, OCOP của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội

Đỗ Minh| 29/07/2021 16:39

(HNMO) - Ngày 29-7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021, tại 3 điểm cầu chính là Hà Nội, Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có hơn 5.340ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230ha nhãn cho thu hoạch, sản lượng khoảng 11.600 tấn.

Ngoài ra, dự kiến, từ nay đến cuối năm, Đồng Tháp có hơn 1.400ha khoai cho thu hoạch, sản lượng hơn 35.100 tấn và có khả năng cung ứng thêm nhiều loại nông sản khác như: Lúa, ổi, thanh long, cam, quýt…. Đồng Tháp còn là địa phương sản xuất cá tra trọng điểm với diện tích 2.000ha mặt nước, sản lượng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 530.000 tấn/năm.

Với tỉnh Sóc Trăng, nhãn là một trong những loại cây ăn trái chủ lực với khoảng 3.130ha, đang cho thu hoạch khoảng 2.536ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, giá nhãn đang giảm vì khó tiêu thụ. 

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thông tin về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trên địa bàn toàn quốc nhằm tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu ý kiến: Các địa phương cần thống kê sản lượng nông sản theo từng huyện để xây dựng kịch bản tiêu thụ chi tiết. Sau đó, có chỉ đạo để các đơn vị hỗ trợ cho quá trình tiêu thụ, như Bắc Giang đã làm với vụ vải vừa qua.

Hiện, Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ và các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng có thể nghiên cứu mô hình này. Từ đó, đưa ra những kiến nghị với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý các vấn đề vướng mắc. “Bộ sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan để tổ chức triển lãm các sản phẩm OCOP sau dịch”, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết trực tuyến 4 hợp đồng giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội. Đây là cơ sở giúp các bên có sự phối hợp nhịp nhàng trong tiêu thụ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn, OCOP của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.