(HNMO) - Sáng 4-11, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành và 4 đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà. Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Theo tận cùng vấn đề được giám sát
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đổi mới nâng cao chất lượng công tác giám sát là nội dung trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng của Quốc hội khóa XV. Chính vì vậy, từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và lựa chọn các chuyên đề giám sát đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đã thực hiện giám sát thì phải có hiệu quả và hiệu lực. Để làm được như vậy thì giám sát phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng vấn đề được giám sát; phải có phương pháp giám sát tổng hợp, giám sát chi tiết rất khoa học, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu cần xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành, đơn vị, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người đứng đầu. Chỉ có như vậy thì sau khi giám sát mới tạo được những chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước.
Lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nếu trong quá trình giám sát có phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ về cho các cơ quan chức năng.
“Đây không phải là giám sát đưa ra ý kiến để ai thực hiện thì làm, không thực hiện thì thôi. Phải cụ thể hóa được trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh. Các cơ quan chức năng sẽ có phương pháp để giám sát lại những người đi giám sát với mục tiêu cao nhất là để xây dựng, phát triển đất nước.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội. Cụ thể, 2 chuyên đề sẽ được Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2022 là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Bên cạnh đó, 2 chuyên đề được giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát là: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021; việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Ngày 1-11-2021, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã ký ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Kế hoạch giao các Ủy ban: Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Pháp luật của Quốc hội và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.
Kế hoạch cũng giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương, gửi báo cáo đến Đoàn giám sát và chịu trách nhiệm trước Đoàn giám sát về kết quả giám sát; cử đại diện tham gia phục vụ Đoàn giám sát trong trường hợp Đoàn tổ chức giám sát, làm việc tại địa phương.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan được đề nghị thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện.
Chuyển các vụ việc được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành và địa phương đã thảo luận giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát năm 2022; trao đổi những vướng mắc, bất cập trong triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của HĐND thành phố tại các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND đối với hoạt động giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị tăng cường hoạt động hướng dẫn, trao đổi về nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, nhất là giám sát chuyên đề giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; đồng thời, trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động giám sát chuyên đề giữa các cơ quan; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp.
“Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, bảo đảm thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, những việc liên quan đến quy hoạch, tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là những nội dung rộng. Thực tế có những vụ việc đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng chưa thực hiện.
Vì vậy, đồng chí Ngô Sách Thực đề nghị các đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ để làm rõ nguyên nhân tại sao chưa thực hiện các kết luận để ngay trong trong lúc giám sát, đối tượng được giám sát thực hiện được các kiến nghị đó.
“Còn nếu không thực hiện, không rõ nguyên nhân thì Quốc hội phải thực hiện quyền của mình theo pháp luật quy định, có thể đình chỉ những hành vi sai phạm. Pháp luật đã quy định thì chúng ta phải sử dụng quyền đó. Trong những trường hợp đặc biệt phải chuyển hồ sơ thì giám sát sẽ có tác dụng và tạo sự lan tỏa rất lớn”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề nghị, trong giám sát, việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021 tại các địa phương cần có sự phối hợp ngay từ đầu của HĐND các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trong các vụ việc cụ thể; tiếp tục giám sát đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp Chính phủ đã kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm.
Về chuyên đề giám sát này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh đây là vấn đề rất nóng bỏng.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 17.241 đơn thư. Tuy nhiên, những đơn thư trùng, không đủ điều kiện chiếm 98%. Đơn vị đã phân loại và thấy năm nhiều có gần 4.000 đơn thư, bình quân là 3.500 đơn thư/năm.
“Hiện tượng khiếu nại vượt cấp, nhất là những vấn đề về tài nguyên khoáng sản, đất đai chiếm trên 70% số vụ việc khiếu nại tố cáo”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Đặc biệt, vấn đề giải phóng mặt bằng tạo ra áp lực rất lớn lên các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là ngành Thanh tra. Trong đó, khi phân loại thì chiếm trên 90% vụ việc phức tạp là do xác định nguồn gốc sử dụng đất. Đây là quá trình kéo dài của các cơ quan các cấp trước đây khi xác nhận, xử lý việc này chưa đúng, chưa đủ, chưa chuẩn quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, hiện nay, những công chức, cán bộ đó không còn công tác thì những người nhiệm kỳ sau rất ngại gặp vào những việc của nhiệm kỳ trước. Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất không ai khác ngoài cơ quan các cấp, chính quyền địa phương mới xử lý được thấu đáo”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết.
Dựa vào nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện giám sát
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng, thực hiện tốt các chuyên đề giám sát trong năm 2021 và 2022 thì sẽ tạo ra những bước chuyển biến mới trong bản thân công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; đồng thời tạo chuyển biến rõ rệt trong từng lĩnh vực trong phạm vi, đối tượng được giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trách nhiệm giám sát đầu tiên, trước hết là của các đoàn, do đó các trưởng đoàn và thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám sát và quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan khi thực hiện giám sát; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của nhân dân; tôn trọng, không gây sách nhiễu, phiền hà cho các đối tượng giám sát, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được giám sát.
“Các thành viên cũng như trưởng, phó đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng nói thật. Tránh trình trạng phát hiện từ cơ sở là bằng “con voi” nhưng dần dần bị “gọt giũa” hết, lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì để bàn. Thực tế không phải không phát sinh những rủi ro như thế, cần tuyệt đối tránh. Tinh thần giám sát là hết sức xây dựng, phát huy được mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt việc tốt để nhân rộng ra chứ không phải chỉ tìm ra khuyết điểm, sai phạm”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá Hà Nội là một điển hình trong những địa phương có mô hình, kết quả giám sát của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội rất tốt.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị các đoàn giám sát phải dựa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên để thực hiện tốt công tác giám sát.
“Biến tai mắt của nhân dân thành hàng triệu ngọn đèn pha để soi rọi, không còn chỗ ẩn nấp cho tiêu cực, lãng phí, quan liêu và tham nhũng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đoàn giám sát kịp thời báo cáo tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.