Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kẹo vitamin: Không thể lạm dụng

Mộc An| 16/12/2020 06:06

(HNNN) - Thời tiết chuyển mùa rồi các đợt sốt vi rút, cúm mùa cuối năm khiến các loại kẹo tăng cường vitamin, kẹo tăng sức đề kháng cho trẻ em trở thành mặt hàng “hot” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những viên kẹo vitamin với nhiều hình dáng ngộ nghĩnh thu hút trẻ nhỏ có thực sự tốt hay không, thành phần của kẹo có chất gây hại cho trẻ hay không thì không phải phụ huynh nào cũng nắm được, do vậy không nên sử dụng tùy tiện.

Lạm dụng các loại kẹo vitamin có thể gây ngộ độc cho trẻ.

Nguy cơ khi lạm dụng

Kẹo vitamin, hiểu đơn giản là một loại thực phẩm chức năng có chứa hỗn hợp vitamin và một số dưỡng chất khác được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe của trẻ em, như phát triển thể lực, trí tuệ, tạo cho bé sự thích thú khi ăn, góp phần làm tăng khả năng miễn dịch... Ở nước ngoài, người dân dễ dàng tìm mua kẹo dẻo vitamin cho bé tại những cửa hàng chuyên về thực phẩm bổ sung, nhà thuốc hoặc siêu thị. Còn tại Việt Nam, ở nhiều cửa hàng thực phẩm nhập khẩu, siêu thị hay hiệu thuốc, các loại kẹo dẻo vitamin luôn được treo ở vị trí bắt mắt, hấp dẫn người mua.

Trên các trang mạng, sản phẩm kẹo vitamin được chào bán với rất nhiều chủng loại do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cả hàng nhập khẩu. Khi có nhu cầu, người tiêu dùng chỉ cần vào Google gõ từ “kẹo vitamin” là có 8.340.000 kết quả trong vòng 0,56 giây với đủ loại kẹo có xuất xứ từ châu Âu tới châu Á, cho thấy sức hút của loại sản phẩm này.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những viên kẹo dẻo có chứa vitamin và khoáng chất thường có thành phần gồm gelatin, nước, đường, tinh bột ngô và chất tạo màu. Hương vị của loại kẹo này khá phổ biến, như vị dâu, cam, chanh, quả mâm xôi, đào..., phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ. Thông tin trên các sản phẩm kẹo vitamin mà nhà sản xuất đưa ra gồm nhiều thành phần như vitamin D, bổ sung omega-3, DHA, vitamin C, kẽm hay canxi khiến nhiều phụ huynh hào hứng mua về cho con trẻ sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Ngân (phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết, do con lười ăn, lo lắng con thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển nên khi biết tới các loại kẹo có bổ sung vitamin, chị nhờ người thân mua từ nước ngoài về, khi không nhờ được thì đặt hàng qua các đầu mối kinh doanh hàng “xách tay”. “Gần năm nay tôi đã mua khoảng chục lọ kẹo về cho con sử dụng. Dù giá của các loại kẹo nhập khẩu khá cao, khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lọ, nhưng tôi cảm thấy khá yên tâm về chất lượng. Đặc biệt là sau khi con tôi sử dụng, cháu tăng cân rõ rệt và điều đó khiến tôi rất hài lòng”, chị Ngân vui vẻ cho biết.

Không chỉ chị Ngân, hiện có rất nhiều phụ huynh đang lạm dụng các loại kẹo vitamin với suy nghĩ đây là thực phẩm dinh dưỡng “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Tuy nhiên, từ góc nhìn của chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay, bản chất của các loại kẹo là đường. Dù các loại kẹo này có thể bổ sung một số loại vitamin như quảng cáo thì lượng đường vẫn chiếm chủ yếu. Đường được ví như “chất độc trắng”, nếu cho trẻ ăn quá nhiều đường, hậu quả sẽ khôn lường. “Chưa kể, việc bổ sung các loại vitamin cho cơ thể là cần thiết song cần có liều lượng, chỉ định cụ thể chứ không thể dùng theo kiểu “lấy được”. Sở dĩ như vậy vì về bản chất vitamin là thuốc, không thể tùy ý sử dụng”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khẳng định.

Phân tích rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng các loại kẹo vitamin, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đường có trong các loại kẹo vitamin là chất xúc tác tạo ra mùi vị hấp dẫn cho rất nhiều thực phẩm, việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm gia tăng nguy cơ sâu răng, bệnh béo phì và tim mạch, tiểu đường.

Chuyên gia chỉ rõ, đường, chất tạo ngọt trở thành mối nguy đối với không chỉ răng miệng mà cả sức khỏe của trẻ, nhất là những loại kẹo dẻo, dính, dễ dàng bám vào bề mặt và các kẽ răng, gây sâu răng nếu trẻ không được vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi ăn.

“Hiện các nhà sản xuất cố gắng tìm cách giảm lượng đường bổ sung bằng việc thêm vào công thức đường alcohol. Việc sử dụng loại đường này cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi và các triệu chứng tiêu hóa không mong muốn khác ở trẻ em. Chưa kể, những viên kẹo dành cho trẻ không thể thiếu chất tạo màu. Vài loại chất tạo màu nhân tạo đã được chứng minh là gây ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, cụ thể là chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)”, ông Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Không chạy theo trào lưu

Ngoài các hệ quả như đã phân tích ở trên, thói quen lạm dụng nhiều loại kẹo vitamin hiện nay của các bậc phụ huynh có thể là nguyên nhân gây ngộ độc, vì trẻ ăn cùng lúc nhiều loại kẹo vitamin có thành phần giống nhau sẽ dẫn tới quá liều. Theo đó, tình trạng dư thừa quá mức sẽ dẫn đến ngộ độc, gây hại cho cơ thể. Các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K được khuyến nghị phải sử dụng cẩn thận hơn vì chúng có thể được lưu trữ trong mỡ và các mô của cơ thể.

Triệu chứng bệnh do sử dụng vitamin quá liều có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng. Một số biểu hiện thường gặp như đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, sụt cân... Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng các loại vitamin có thể dẫn đến tổn thương tim, gan, thận, thậm chí có thể gây tử vong. Chẳng hạn, ngộ độc vitamin A gây tổn thương tế bào gan, xơ gan, tăng canxi, tăng lipid máu hoặc sẽ gây kích thích, mất ngủ, co giật, mê sảng... Quá liều vitamin D sẽ gây lắng đọng canxi ở thận, dẫn tới tổn thương tim, sỏi thận...

Trước hậu quả của việc lạm dụng các loại kẹo chứa vitamin nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên cân nhắc kỹ khi cho trẻ sử dụng các loại kẹo vitamin. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, vitamin bổ sung sẽ phát huy hiệu quả nếu được dùng một cách hợp lý, ngược lại thì có thể gây hậu quả khó lường. Do đó, các phụ huynh không nên chạy theo trào lưu, lạm dụng các loại kẹo thay cho nguồn dinh dưỡng tự nhiên như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thịt.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khẳng định, đa số trẻ em không cần thiết phải bổ sung đầy đủ các loại vitamin bởi bữa ăn hằng ngày đã cung cấp cho bé đủ các loại vitamin và khoáng chất. Cha mẹ chỉ nên bổ sung vitamin tổng hợp cho bé trong một số trường đặc biệt: Trẻ kén ăn hoặc ăn không đủ chất; trẻ mắc bệnh mạn tính hay gặp vấn đề về tiêu hóa; trẻ ăn chay hoặc thường xuyên ăn thức ăn nhanh; trẻ vận động nhiều, hoặc chơi những môn thể thao cường độ cao...

Khi bổ sung vitamin cho trẻ, phụ huynh nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng xem trẻ có cần bổ sung vitamin tổng hợp hay một loại riêng biệt hay không. Khi cho trẻ sử dụng các loại kẹo có chứa vitamin, phụ huynh cần đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng của từng loại, sử dụng đúng liều và không lạm dụng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ sau khi ăn kẹo dẻo vitamin, để kẹo xa tầm với của trẻ để tránh việc trẻ tự ý ăn quá nhiều.

“Kẹo vitamin nên ăn cùng với bữa ăn và chải răng sau đó, không nên để các mảng bám đường tích tụ trên răng của trẻ quá lâu. Ngoài ra, cha mẹ không nên cho con sử dụng kẹo vitamin vào ban đêm, vì có thể khiến cơ thể bé khó chịu. Nếu bé đang sử dụng thuốc để điều trị bệnh thì mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vitamin để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bé”, bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kẹo vitamin: Không thể lạm dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.