Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế hoạch cải cách lương hưu: “Bài toán” đau đầu của nước Pháp

Quỳnh Dương| 08/12/2019 06:55

(HNM) - Đúng với cảnh báo của các nghiệp đoàn lao động Pháp cách đây nửa tháng, trong những ngày cuối tuần, hàng trăm nghìn lao động đã đình công để phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron, một trong những chính sách cải cách tham vọng nhất của ông chủ Điện Elysee kể từ khi lên nắm quyền.

Giao thông tại Pháp tê liệt vì đợt đình công.

Theo thống kê của nhà chức trách Pháp, làn sóng đình công và cuộc tuần hành quy mô lớn đã khiến hoạt động giao thông tại một số khu vực tê liệt, thậm chí nhiều trường học phải đóng cửa, hệ thống đường sắt cao tốc và nhiều chuyến bay bị hoãn hủy hoặc gián đoạn. Công ty Đường sắt quốc gia SNCF đã phải hủy tới 90% các chuyến tàu cao tốc và đưa ra cảnh báo sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng các tuyến từ London (Anh) tới Brussels (Bỉ) và ngược lại. Trong khi đó, các nhân viên vận tải tại Paris cũng nhất trí kéo dài hoạt động bãi công khiến 11 trong số 16 tuyến tàu điện ngầm đóng cửa. Hãng hàng không Air France thông báo hủy 30% chuyến bay nội địa và 10% chuyến bay quốc tế chặng ngắn. Tình trạng này có nguy cơ kéo dài thêm nhiều ngày nữa khi các nghiệp đoàn kêu gọi người lao động tiếp tục tiến hành đợt đình công rầm rộ mới vào ngày 10-12 tới.

Với Tổng thống E.Macron, kế hoạch cải cách lương hưu có vai trò quan trọng, định hình cho nửa nhiệm kỳ còn lại của ông. Theo Thủ tướng Edouard Philippe, người dân Pháp hoàn toàn nhận thức được sự phức tạp của hệ thống lương hưu hiện nay với 42 chế độ khác nhau. Do đó, hệ thống lỗi thời này không thể tiếp tục tồn tại. Kế hoạch cải cách sẽ cho phép thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát mới, trong đó, người Pháp đóng góp và cùng hưởng các quyền lợi như nhau, đồng thời xóa bỏ các chế độ đặc biệt đang được áp dụng. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lập luận việc áp dụng lương hưu chung như vậy sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều nhân viên lại cho rằng, cải cách trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.

Chính sách hưu trí thực ra đã là một “bài toán” đau đầu cho rất nhiều nhà lãnh đạo tiền nhiệm của đất nước hình lục lăng. Hầu như bất cứ thay đổi nhỏ nào cũng có thể khiến các nghiệp đoàn "nổi cơn thịnh nộ". Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng HSBC được cho là đã tìm ra phần nào nguyên nhân đưa lương hưu luôn trở thành chủ đề nhạy cảm ở Pháp. Theo đó, người Pháp không tiết kiệm đủ cho tuổi nghỉ hưu của họ. Thậm chí có tới hơn 1/3 dân Pháp không tiết kiệm gì cho tuổi già và khoảng 23% dân số thừa nhận không chuẩn bị cho quãng đời hưu trí một cách đầy đủ. Đa số người dân nước này vẫn chỉ tin và dựa hoàn toàn vào chế độ lương hưu của Chính phủ. Cũng theo nghiên cứu trên, 50% người Pháp coi nhà nước là nguồn bảo đảm tiền hưu trí mà không hề tính đến tình hình thâm hụt ngân sách trầm trọng.

Nhiều nhà phân tích nhận định, kế hoạch cải cách sẽ giúp tạo ra sự công bằng hơn cho giới lao động nhưng trong bối cảnh hiện nay ở Pháp, cần có thời gian để người dân thích nghi. Ngay cả Thủ tướng Pháp E.Philippe cũng phải thừa nhận sẽ không hợp lý khi thay đổi “luật chơi” một cách đột ngột, khi mà người lao động đã đầu tư và tổ chức cuộc sống gia đình trên cơ sở chế độ hiện hành. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, "chìa khóa" hạ nhiệt căng thẳng hiện tại là dựa vào đối thoại xã hội. Việc trao đổi, thảo luận về các kỳ vọng, những điểm đồng thuận và các vấn đề còn bất đồng trên cơ sở gạt bỏ lợi ích riêng là cách thức duy nhất để các bên có được tiếng nói chung, mang lại sự ổn định cho nước Pháp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch cải cách lương hưu: “Bài toán” đau đầu của nước Pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.