Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kê đơn cho... thuốc nội

Thế Nguyên| 25/05/2017 06:17

(HNM) - “Có bệnh thì vái tứ phương

Tựu trung lại, có hai điểm rất đáng chú ý: Thứ nhất, với thuốc điều trị, sính ngoại không chỉ là tâm lý phổ biến với số đông mà còn là lựa chọn duy nhất với người có điều kiện. Thứ hai, với thuốc hỗ trợ (thực phẩm chức năng, vitamin...), sản phẩm ngoại nhập vẫn là lựa chọn tối ưu, ngoại trừ với người có hoàn cảnh khó khăn. Hệ quả tất yếu là sau 4 năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 1 (từ năm 2012 đến 2016), đã có tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng nhưng tại tuyến trung ương, thuốc nội vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng. Những dữ liệu từ thực tế cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm: Tại một số cửa hàng thuốc bán lẻ, nhà thuốc bệnh viện, phòng khám tư..., thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại. Rồi giá thành thuốc nội phù hợp với mức chi trả của người dân, rẻ hơn từ 4 đến 10 lần so với biệt dược gốc nhưng các bác sĩ vẫn “băn khoăn” khi kê đơn thuốc nội...

Rõ ràng, thuốc nội có những "căn bệnh" trầm kha, cần được... kê đơn, chẩn trị một cách hiệu quả. Trước hết, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cần tuân thủ một cách nghiêm túc "đơn" về sản xuất, với những yêu cầu như cung cấp sản phẩm đạt chuẩn, theo đúng tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), đồng thời đáp ứng yêu cầu về các nhóm thuốc đặc trị, chuyên sâu. Thứ hai, hoạt động đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện có đông bệnh nhân phải có giải pháp ưu tiên sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng kết hợp yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa doanh nghiệp sản xuất, phân phối được "bao tiêu" đầu ra mà cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, không để ảnh hưởng đến hoạt động thăm khám, điều trị, tức là hiệu quả của việc điều trị bệnh nhân. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là hoạt động tư vấn, kê đơn của bác sĩ. Thực tế cho thấy, ở không ít bệnh viện, phòng khám, bác sĩ thường ưu tiên thuốc ngoại, nhất là thuốc đặc trị. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi bác sĩ "chiều" theo tâm lý bệnh nhân, và quan trọng hơn là để hưởng "hoa hồng" từ các hãng dược phẩm. Nếu như các bác sĩ, những người có ảnh hưởng lớn nhất tới người đến thăm khám trong quyết định lựa chọn thuốc gì, không thay đổi thì tình trạng nhờn thuốc nội, sính thuốc ngoại còn tiếp tục kéo dài.

Bên cạnh đó, cần có một chương trình truyền thông tổng thể nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, người bệnh nói riêng. Bởi lẽ, dược phẩm nội địa hay nhập khẩu, với thành phần, chỉ tiêu như nhau, đều đáp ứng yêu cầu điều trị. Trong khi đó, ưu điểm của dược phẩm nội địa là giá thành thấp, dễ tiếp cận với đại đa số người có nhu cầu.

Kê đơn cho... thuốc nội là việc dễ làm nhưng tuân thủ đơn thuốc này đòi hỏi nhiều thời gian, sự thay đổi về mặt nhận thức, cả từ phía cơ quan chức năng, bác sĩ và cộng đồng. Thực hiện đúng "đơn thuốc" này không chỉ góp phần giúp dược phẩm nội địa có chỗ đứng vững vàng trên "sân nhà" mà quan trọng hơn là vừa tiết giảm gánh nặng chi phí vừa bảo đảm yêu cầu điều trị với người bệnh nói riêng, cộng đồng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kê đơn cho... thuốc nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.