Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kashmir lại trở thành điểm “nóng”

Đình Hiệp| 18/08/2015 06:18

(HNM) - Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan lại trở nên căng thẳng khi liên tiếp nổ ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa binh sĩ hai nước tại khu vực tranh chấp Kashmir. Cuộc giao tranh mới nhất giữa binh sĩ hai nước dọc ranh giới kiểm soát (LoC) cuối tuần qua làm 4 dân thường của cả hai bên

Nhà cửa của người dân ở khu vực biên giới Kashmir bị phá hủy sau vụ đấu súng của binh sĩ hai nước.



Theo người phát ngôn của Chính phủ Ấn Độ, cuộc nã pháo dọc LoC vào các khu vực thuộc quận biên giới Poonch ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát được khai hỏa sau khi binh sĩ Pakistan bắn đạn cối vào các tiền đồn và khu vực dân sự dọc LoC tại Mandi, Hamirpur và Saujiyan thuộc quận Poonch. Vì thế, quân đội Ấn Độ đã nổ súng bắn trả. Thế nhưng, phía Pakistan lại cho rằng: Binh sĩ Ấn Độ đã vô cớ xả súng tại Nakyal, quận biên giới Kotli thuộc khu vực Kashmir do nước này kiểm soát nên quân đội Pakistan phải hành động. Đến hôm nay (18-8) chưa bên nào thừa nhận trách nhiệm, các cuộc giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt đã khiến người dân cả hai nước sinh sống dọc LoC lo sợ và bắt đầu rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Đây không phải lần đầu xảy ra những cuộc giao tranh ở biên giới Kashmir giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ Ấn Độ - Pakistan. Mấu chốt của những bất đồng là tranh chấp ở khu vực biên giới do lịch sử để lại. Tháng 4-2003, hai nước đã có các bước đi tích cực nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao và bắt đầu duy trì một lệnh ngừng bắn dọc theo LoC dài 720km, chia vùng Kashmir thuộc dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lên nắm quyền vào tháng 5-2013, đã tuyên bố sẽ nỗ lực nối lại tiến trình hòa bình với Ấn Độ. Cùng với đó, sự kiện ông Narendra Modi trở thành Thủ tướng của Ấn Độ đã tiếp tục mở ra tín hiệu tích cực trong quan hệ hai nước khi trong lễ nhậm chức của ông N.Modi vào tháng 5-2014 đã có sự tham dự của Thủ tướng Nawaz Sharif. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Thủ tướng Pakistan đến chúc mừng lễ nhậm chức của người đồng cấp Ấn Độ.

Thế nhưng, căng thẳng tại Kashmir vẫn chưa được cải thiện khi hai bên vẫn thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vô cớ nổ súng khiêu khích và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng: Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan phản ánh hệ quả tất yếu của mối quan hệ chính trị "xuống cấp" giữa hai nước. Trên thực tế các cuộc đối thoại cấp cao giữa New Delhi và Islamabad đã bị đình trệ kể từ sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi tháng 11-2008 làm hơn 160 người thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc một nhóm phiến quân ở Pakistan đứng sau vụ tấn công, trong khi Islamabad bác bỏ mọi liên quan đến vụ việc này.

Căng thẳng biên giới Kashmir diễn ra vào thời điểm cố vấn an ninh cấp cao của hai nước dự kiến sẽ gặp nhau ở New Delhi (Ấn Độ) vào cuối tháng này để thảo luận các biện pháp chống khủng bố và làm dịu căng thẳng ở dọc LoC. Việc tổ chức cuộc họp giữa cố vấn an ninh quốc gia hai nước được Thủ tướng Nawaz Sharif và người đồng cấp Narendra Modi nhất trí tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thành phố Ufa của Nga ngày 9-7 vừa qua. Cả hai bên đều nhận thấy rằng, đối thoại an ninh là cần thiết khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nổ súng qua biên giới gây thương vong cho dân thường, làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ - Pakistan một lần nữa lại đứng trước thử thách mang tên Kashmir. Trong một bước đi mới nhất, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã triệu Cao ủy Pakistan Abdul Basit để trao công hàm phản đối quân đội Pakistan liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại LoC và biên giới quốc tế (IB). Tuy nhiên, Cao ủy Pakistan A.Basit cũng đã lên tiếng chỉ trích Ấn Độ khi bày tỏ "lo ngại về các vụ vi phạm ngừng bắn" của binh sĩ Ấn Độ. Theo ông A.Basit, chỉ trong tháng 7 và 8 đã có tới gần 70 vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại LoC và IB.

Các nhà phân tích cho rằng, căng thẳng trong quan hệ Pakistan - Ấn Độ không chỉ xoay quanh các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà còn phản ánh sự thiếu tin cậy giữa hai quốc gia láng giềng. Vì thế, để tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết bất đồng cũng như xây dựng một cơ chế đối thoại song phương thực sự hiệu quả cần nhiều thiện chí hơn nữa từ cả New Delhi lẫn Islamabad.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kashmir lại trở thành điểm “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.