Theo Guardian, bảy người đã thiệt mạng do đuối nước ở Cộng hòa Áo, Ba Lan, Romania và bốn người khác mất tích ở Cộng hòa Séc khi cơn bão Boris mang theo mưa xối xả và lũ lụt buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Nhiều vùng của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Slovakia đã ghi nhận gió lớn và mưa lớn bất thường kể từ ngày 12-9. Phó Thủ tướng Cộng hòa Áo Werner Kogler cho biết một lính cứu hỏa đang ứng phó với tình trạng lũ lụt ở bang Hạ Áo đã thiệt mạng. Chính quyền tuyên bố bang Hạ Áo - bao quanh thủ đô Vienna, giáp với Cộng hòa Czech và Slovakia là một khu vực thảm họa.
Theo hãng thông tấn APA, dịch vụ đường sắt đã bị đình chỉ ở phía Đông nước Áo vào sáng sớm 15-9 và một số tuyến tàu điện ngầm đã bị đóng cửa ở Vienna, nơi sông Wien đang có nguy cơ tràn bờ… Một số khu vực của Tirol thì bị tuyết bao phủ dày tới một mét - một hiện tượng thời tiết đặc biệt vào giữa tháng 9, khi nhiệt độ lên tới 30 độ C vào tuần trước.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết một người ở khu vực Kłodzko đã thiệt mạng vì đuối nước. Phía Tây Nam của Ba Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Khoảng 1.600 người đã được sơ tán ở Kłodzko, và quân đội đã đến để hỗ trợ lính cứu hỏa tại hiện trường.
“Tình hình rất bi thảm”, ông Tusk nhận định trong ngày 15-9 sau một cuộc họp ở Kłodzko, khi mực nước sông địa phương dâng lên 6,7 mét cao hơn nhiều so với mức báo động là 2,4 mét. Con số này đã vượt qua kỷ lục được thiết lập trong trận lũ lớn năm 1997, trận lũ đã gây thiệt hại một phần cho thị trấn và cướp đi sinh mạng của 56 người. Trước đó một ngày, chính quyền Ba Lan đã đóng cửa khẩu biên giới Gołkowice với Cộng hòa Séc sau khi một con sông tràn bờ, cũng như đóng cửa một số tuyến đường và dừng các chuyến tàu trên tuyến nối liền thị trấn Prudnik và Nysa.
Tại Budapest (Hungary), các quan chức đã nâng dự báo mực nước sông Danube sẽ dâng cao lên trên 8,5m, gần mức kỷ lục 8,91m được ghi nhận vào năm 2013, vì mưa vẫn tiếp tục ở Hungary, Slovakia và Áo.
“Theo dự báo, một trong những trận lũ lớn nhất trong những năm qua đang tiến gần đến Budapest nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó”, Thị trưởng Budapest, Gergely Karácsony cho biết.
Trong khi đó, cảnh sát Cộng hòa Séc cho biết bốn người đã mất tích vào ngày 15-9. Ba người đã ở trong một chiếc ô tô bị cuốn trôi xuống sông ở thị trấn Lipová-lázne, Đông Bắc nước này, trong khi một người đàn ông khác mất tích sau khi bị lũ cuốn trôi ở phía Đông Nam.
Một con đập ở phía Nam đất nước này đã vỡ bờ, gây ngập lụt các thị trấn và làng mạc ở hạ lưu. Trong một thông điệp trên mạng xã hội X, cảnh sát Cộng hoà Séc kêu gọi mọi người chú ý đến các cảnh báo sơ tán.
Năm người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt ở Đông Nam Romania trong hai ngày qua. Ở Galati- khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 5.000 ngôi nhà đã bị hư hại.
Tổng thống Romania, Klaus Iohannis, cho biết: “Chúng ta một lần nữa phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu, hiện đang ngày càng hiện diện ở lục địa châu Âu, với những hậu quả nghiêm trọng”.
Các dịch vụ khẩn cấp đã giải cứu hàng trăm người tại 19 địa phương trên cả nước, đồng thời công bố video ghi lại cảnh những ngôi nhà bị ngập lụt tại một ngôi làng bên sông Danube.
Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bratislava. Mưa lớn dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là 16-9 tại Cộng hòa Séc và Ba Lan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.