Nhiều nước Trung Âu đang trong tình trạng báo động cao chuẩn bị ứng phó với những trận lũ lụt có thể trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua theo dự báo của các nhà khí tượng.
Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão Boris, một số khu vực ở Cộng hòa Séc và Ba Lan có thể ghi nhận lượng mưa lên tới 400 lít/m2 trong 4 ngày tới, trong khi tại Áo và Slovakia có thể là khoảng 200 lít/m2. Nhiều sự kiện văn hóa dự kiến diễn ra vào cuối tuần tại 4 quốc gia này đã bị hủy bỏ.
Tại Ba Lan, các thành phố phía nam của nước này như Wroclaw và Opole đang trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ mưa lớn. Riêng tại Wroclaw, thành phố với 675.000 dân, thị trưởng đã thành lập ủy ban khủng hoảng. Các nhà chức trách đang tiến hành xả hết nước từ các hồ chứa và lực lượng cứu hỏa thành phố sẵn sàng sử dụng các máy bơm công suất lớn.
Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Petr Hladik nhận định, tình hình mưa lũ ở nước này có thể tương tự như năm 1997 và 2002. Trong đó, trận lũ năm 1997 đã tàn phá khu vực Moravia nằm ở phía đông nước này, cướp đi sinh mạng của 50 người và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Đây cũng là nơi dự kiến có lượng mưa lớn nhất trong trận bão này. Năm 2002, lũ lụt chủ yếu ảnh hưởng đến miền tây Cộng hòa Séc, khiến 17 người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề hơn cả năm 1997.
Ở thời điểm hiện tại, các thành phố ở Moravia đã dựng rào chắn và bao cát chống lũ. Cơ quan dự báo thời tiết địa phương cũng cảnh báo nguy cơ gió giật mạnh lên đến 100km/h.
Do ảnh hưởng của bão, hàng chục sự kiện văn hóa đã bị hủy bỏ, trong đó có lễ hội rượu vang ở thành phố Znojmo, miền Nam Moravia, sự kiện thường thu hút hàng chục nghìn người tham dự mỗi năm. Lễ hội La Mã Carnuntum ở miền đông nước Áo cũng bị hủy bỏ.
Kênh truyền hình ORF của Áo cho biết, lượng mưa có thể khiến mực nước sông Danube dâng lên mức cao nhất trong 5 hoặc thậm chí 10 năm. Tại thành phố Villach thuộc tỉnh Carinthia, các lối đi bộ và đường dành cho xe đạp dọc theo sông Drau sẽ bị đóng cửa.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 11-9 tuyên bố, quân đội sẵn sàng triển khai tới 1.000 binh sĩ vào cuối tuần nếu cần thiết để hỗ trợ công tác phòng, chống lũ và cứu hộ, cứu nạn.
Quân đội Slovakia và lực lượng lính cứu hỏa tình nguyện cũng đang trong tình trạng báo động. Chỉ huy Lực lượng cứu hỏa Slovakia, ông Adrian Mifkovic cho biết, các đập di động dài 5-6km đã sẵn sàng được huy động trong trường hợp cần thiết. Nếu dự báo cho Slovakia chính xác, lượng mưa tại nước này có thể nhiều hơn trận lũ lịch sử năm 2013, được coi là một sự kiện "nghìn năm có một".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.