(HNM) - Những quan ngại về sự thiếu hụt nhân lực cho ngành điện hạt nhân bấy lâu nay vẫn không giảm khi vẫn chưa có chính sách ưu đãi ở cấp vĩ mô cho công tác đào tạo nguồn nhân lực này.
Theo đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử", đến năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân; 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử. Trong đó có ít nhất 200 kỹ sư và 150 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo và 500 lượt các nhà quản lý, khoa học được cử đi khảo sát, học tập kinh nghiệm và tham gia các khóa bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn tại các nước phát triển về năng lượng nguyên tử.
Hướng dẫn sinh viên Khoa Kỹ thuật hạt nhân Trường ĐH Đà Lạt trong một môn học cơ bản. |
Thời gian đầu, Chính phủ sẽ tập trung cho 6 trung tâm đào tạo là Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Điện lực và Trung tâm Đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN). Chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào hằng năm của các cơ sở này đạt tối thiểu 250 sinh viên. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế tuyển sinh những năm gần đây, nhiều người nghi ngờ tính khả thi đề án đưa ra. Điểm đầu vào của ngành điện hạt nhân ở các trường nói chung đều không cao, song Trường ĐH Điện lực ba năm qua đều phải tuyển thêm nguyện vọng 2 mới đủ. Năm 2012, nhà trường công bố học bổng 1 triệu đồng/tháng, được ưu tiên ở ký túc xá cho thí sinh ngành này, song cũng chỉ tuyển được 17 thí sinh nguyện vọng 1 trong tổng số 50 chỉ tiêu. Sau 3 năm đào tạo, khóa đầu tiên với 58 sinh viên chỉ còn lại 40 sinh viên theo học do nhiều em không theo được chương trình (trừ một số sinh viên được ra nước ngoài học tập). Cũng bởi không thu hút được thí sinh nên điểm đầu vào của các ngành thuộc lĩnh vực này không cao trong khi ngành lại khá kén người học. Năm 2012, ĐH Đà Lạt chỉ tuyển được 10 thí sinh cho khóa đầu tiên ngành kỹ thuật hạt nhân với mức điểm chuẩn khiêm tốn là 16,5. Tình trạng này cũng tương tự ở các cơ sở đào tạo khác khiến nhiều chuyên gia lo lắng khi số người am hiểu lĩnh vực điện hạt nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, không chỉ cần làm chủ công nghệ, ngành công nghiệp hạt nhân còn rất cần nhân lực có tính kỷ luật nghiêm ngặt, ý thức tôn trọng quy chế, luật pháp cao.
Cần cơ chế thoáng
Để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành điện hạt nhân, một nhà quản lý đã đề xuất, trước mắt, nên quy hoạch cán bộ đã có trình độ, đang công tác trong lĩnh vực hạt nhân hoặc trong ngành nhiệt điện đưa đi đào tạo làm cán bộ vận hành nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn thuê hoàn toàn nhân lực nước ngoài cho nhà máy điện hạt nhân, từ cán bộ quản lý cho tới đội ngũ kỹ thuật. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, "chúng ta muốn nhà máy điện hạt nhân phải được quản lý và điều hành bằng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam. Vì thế chúng ta phải đặt ra chương trình đào tạo".
Nói về những khó khăn trong việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, nguyên nhân là do chính sách đối với người đi học và người sẽ làm việc trong lĩnh vực này vẫn chưa được công bố công khai. Thêm nữa, việc lựa chọn được người đi học trong lĩnh vực này cũng rất khó khăn. Người đáp ứng được trình độ thì không bảo đảm sức khỏe và ngược lại.
Về chính sách với những người đang làm việc trong lĩnh vực điện năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, họ đang được hưởng phụ cấp từ 30% đến 70% mức lương. Dự kiến, sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định về việc trả phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này ở mức hấp dẫn. Ví dụ người đi học, ngoài học bổng của Chính phủ và quốc gia đối tác có thể còn có thêm một phụ cấp đặc biệt để bảo đảm cuộc sống của người thân. Sinh viên học ngành điện hạt nhân ở 5 trường đại học lớn của Việt Nam sẽ được hỗ trợ học bổng 100% và có chi phí ăn ở…
Liên quan tới những ưu đãi trong đào tạo, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo về quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối với đào tạo ĐH trong nước, sinh viên theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử không phải đóng học phí và ở ký túc xá miễn phí. Sinh viên xếp loại học lực giỏi trở lên được cấp học bổng có giá trị gấp 15 lần tiền học phí/tháng, sinh viên xếp loại học lực khá, trung bình được cấp học bổng có giá trị tương ứng 8 lần và 1 lần tiền học phí/tháng. Cùng với nhiều ưu đãi khác, sinh viên ĐH, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở ngoài nước được cấp vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông, lệ phí làm hộ chiếu, visa, sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức cao nhất hiện đang được áp dụng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đề nghị Bộ Tài chính cần "thoáng" hơn khi xây dựng chế độ đãi ngộ, cơ chế học bổng đặc biệt nhằm thu hút sinh viên theo học ngành điện hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.