Thế giới

Iran có thể sẽ phải tổ chức bầu Tổng thống vòng hai

Kim Phượng 29/06/2024 - 14:45

Theo Arabnews, ngày 29-6, kết quả tạm thời của Bộ Nội vụ Iran cho thấy, hơn 14 triệu phiếu bầu đã được kiểm sau cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Iran diễn ra ngày 28-6, trong đó, ứng cử viên ôn hòa Massoud Pezeshkian đã giành được hơn 5,9 triệu phiếu và nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili đã giành được hơn 5,5 triệu phiếu.

iran.png
Ứng cử viên Massoud Pezeshkian đã giành được hơn 5,9 triệu phiếu bầu, theo kết quả tạm thời của Bộ Nội vụ Iran. Ảnh: Reuters.

Một số người trong cuộc cho biết, tỷ lệ cử tri đi bầu là khoảng 40%, thấp hơn so với dự đoán của các nhà cầm quyền Iran, các điểm bỏ phiếu ở Tehran và một số thành phố khác không đông như kỳ vọng.

Nếu không có ứng cử viên nào giành được ít nhất 50% phiếu bầu thì cuộc bỏ phiếu quyết định giữa hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ được tổ chức vào thứ sáu đầu tiên sau khi kết quả được công bố. “Dựa trên các báo cáo chưa được xác nhận, cuộc bầu cử rất có thể sẽ diễn ra vòng thứ hai, theo đó, ứng cử viên Jalili và Pezeshkian sẽ cạnh tranh trong một cuộc bầu cử vòng hai”, Hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang leo thang do cuộc chiến giữa Israel và các đồng minh của Iran là Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, cũng như áp lực ngày càng tăng của phương Tây đối với chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của nước này.

Mặc dù, cuộc bầu cử khó có thể mang lại sự thay đổi lớn trong chính sách, nhưng kết quả của nó có thể ảnh hưởng đến việc kế vị nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, nắm quyền từ năm 1989.

Tổng thống tiếp theo dự kiến ​​sẽ không có bất kỳ sự thay đổi chính sách lớn nào về chương trình hạt nhân của Iran hoặc hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, vì ông Khamenei chỉ đạo tất cả các vấn đề lớn của quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống điều hành chính phủ và có thể ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Iran.

Quan điểm của ứng cử viên Pezeshkian là ủng hộ việc giảm bớt căng thẳng với phương Tây, cải cách kinh tế, tự do hóa xã hội và đa nguyên chính trị, trái ngược với quan điểm của ông Jalili. Các nhà phân tích cho biết, là một người kiên quyết chống phương Tây, chiến thắng của ứng cử viên Jalili sẽ báo hiệu khả năng xảy ra một bước ngoặt, thậm chí còn mang tính đối kháng hơn trong chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia Hồi giáo này.

Tất cả các ứng cử viên đều cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế đang trì trệ, bị bao vây bởi tình trạng quản lý yếu kém, tham nhũng và các lệnh trừng phạt được áp đặt trở lại kể từ năm 2018, sau khi Mỹ hủy bỏ hiệp ước hạt nhân của Tehran.

"Tôi nghĩ Jalili là ứng cử viên duy nhất nêu vấn đề về công lý, chống tham nhũng và mang lại giá trị cho người nghèo. Quan trọng nhất, ông ấy không liên kết chính sách đối ngoại của Iran với thỏa thuận hạt nhân", Farzan, một cử tri 45 tuổi ở thành phố Karaj, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Iran có thể sẽ phải tổ chức bầu Tổng thống vòng hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.