(HNMO) - Ngày 19-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của châu Á và cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực lạm pháp đã gây ra những rủi ro làm giảm triển vọng.
Theo Reuters, trong báo cáo triển vọng khu vực của mình, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của châu Á xuống 6,5%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 4, do sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 ảnh hưởng tới tiêu dùng và sản lượng nhà máy.
Dù vậy, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của châu Á lên 5,7% từ mức dự báo 5,3% vào tháng 4, phản ánh sự tiến bộ trong việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Báo cáo đánh giá: "Mặc dù châu Á và Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, song sự phân hóa giữa các nền kinh tế tiên tiến châu Á với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang ngày càng sâu sắc".
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay và 5,6% vào năm 2022, nhưng sự phục hồi vẫn "không cân bằng" trước các đợt bùng phát Covid-19 và gánh nặng tài chính đối với người tiêu dùng. Nền kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 9,5% trong năm nay.
IMF cho biết, trong những tháng tới, làn sóng lây nhiễm mới vẫn là mối lo ngại lớn nhất.
Trong khi dự đoán lạm phát "nhìn chung được ổn định" ở châu Á, giá hàng hóa và chi phí vận chuyển cao hơn, cùng với sự gián đoạn liên tục của chuỗi giá trị toàn cầu đang làm gia tăng lo ngại về lạm phát dai dẳng.
Hầu hết các nền kinh tế mới nổi của châu Á phải duy trì hỗ trợ tiền tệ để bảo đảm phục hồi lâu dài, song các ngân hàng trung ương "nên có sự chuẩn bị để hành động nhanh chóng nếu sự phục hồi được củng cố nhanh hơn dự kiến hoặc nếu kỳ vọng lạm phát tăng" - IMF nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.