Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức cao 3,7% trong năm 2019 nhưng hai nền kinh tế đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt.
(Nguồn: Livemint) |
IMF cảnh báo, sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tăng trưởng của toàn cầu giảm 0,8 điểm phần trăm, bởi thương mại là động lực chính của tăng trưởng.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tới sẽ giảm từ 2,9% xuống 2,5%, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm, trong khi tăng trưởng của Ấn Độ được giữ nguyên.
Nền kinh tế Anh hiện vẫn chưa hồi phục sau khủng hoảng tài chính được cho là sẽ tăng trưởng chỉ 1,5%, trong khi việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) một cách thiếu trật tự sẽ có tác động tiêu cực, gây ra sự sụt giảm 5-8%.
IMF ước tính, ngay cả một kịch bản Brexit suôn sẻ hơn cũng sẽ khiến GDP của nước này giảm 2,5-4%.
Những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể đã đạt đỉnh, đã gây biến động trên các thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây và các chỉ số chủ lực của chứng khoán Mỹ đã xóa bỏ hoàn toàn mức điểm tăng trong năm nay.
Giai đoạn tăng trưởng hiện nay của kinh tế Mỹ sẽ là dài nhất trong lịch sử nước này, nhưng động lực đến từ các biện pháp cắt giảm thuế trong năm ngoái đang suy yếu, việc tăng lãi suất và tình trạng thiếu lao động đang gây khó khăn cho thị trường nhà ở, trong khi xung đột thương mại có nguy cơ khiến tăng trưởng sụt giảm, ảnh hưởng xấu đến đầu tư và gây sức ép lên lạm phát.
Trong bối cảnh có những yếu tố thiếu chắc chắn, những lo ngại tiềm ẩn đang bắt đầu nổi lên, như chi phí vay mượn của các công ty có nợ lớn gia tăng mạnh, nợ sinh viên không nhỏ và việc tăng lãi suất tác động đối với việc mua nhà.
Các nhà kinh tế của S&P Global Ratings cho rằng, động lực tăng trưởng có thể đã đạt đỉnh trong quý 2-2018, nhưng kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn thay vì suy giảm trong ngắn hạn.
Tổng Giám đốc IMF Christine Largade cũng cho rằng, không có dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong thời gian tới.
Các cuộc khảo sát lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ vẫn cho thấy sự lạc quan về nền kinh tế trong năm tới, nhưng có những lo ngại bắt đầu xuất hiện ở Mỹ cũng như trên thế giới mà nguyên nhân chính là xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu Mỹ và Trung Quốc.
Xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ lan ra phần còn lại của thế giới. Bất đồng giữa hai nước đe doạ gây tổn thất hàng trăm tỷ USD cho thương mại toàn cầu, trong khi ông Trump tuyên bố có thể áp thuế lên ô tô nhập khẩu. Việc Mỹ áp thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của nước này.
Trong khi nhiều quan chức và giám đốc điều hành đồng ý với quan điểm của chính quyền của ông Trump về chính sách thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu chuyển giao công nghệ, họ lo ngại về sự quyết liệt trong chiến lược mà ông thực hiện. Các doanh nghiệp, người nông dân và người chăn nuôi đang cảm nhận được những tác động.
Phó Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia, Jake Colvin, cho rằng, chính sách thuế đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong khi đó, một thỏa thuận mà hai bên có thể nhất trí sẽ có nội dung gì vẫn là điều chưa rõ ràng. Chuyên gia thương mại William Reinsch thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược cho rằng, Mỹ có thể phải hạ mục tiêu hoặc Trung Quốc sẽ bất ngờ đồng ý với những khuyến nghị mà các nhà kinh tế nước này đã đưa ra.
Theo Giám đốc điều hành của MedSource Labs có trụ sở ở Minnesota, Todd Fagley, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã cảm nhận tác động của việc chi phí xuất khẩu tăng và tình trạng dư thừa công suất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.