(HNM) - Lộ trình gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Iceland chính thức khép lại sau 6 năm theo đuổi. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Gunnar Bragi Sveinsson đã thông báo quyết định từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên của
Sự kiện Iceland nói "không" với gia nhập EU không gây thiệt hại cho cả hai phía, tuy nhiên, hành động này của xứ Băng đảo đã cho thấy EU không còn là "miền đất hứa" mà nhiều quốc gia muốn bước vào với tất cả niềm ao ước như cách đây một thập kỷ.
Nhiều cử tri Iceland không còn mặn mà với việc gia nhập EU. |
Chính phủ Iceland đã đệ đơn xin gia nhập EU vào năm 2009 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ không chỉ làm lung lay lòng tin của người dân với Chính phủ, mà còn làm rung chuyển cả Châu Âu lúc đó. Việc đồng nội tệ curon của Iceland giảm giá nghiêm trọng cũng là một nguyên nhân thúc đẩy mong muốn gia nhập khu vực đồng euro của nước này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với EU luôn bị ngừng trệ vì Brussels và Reykjavik không đạt được đồng thuận về một số lĩnh vực như chi trả tiền đền bù cho các công dân EU chịu thiệt hại do làn sóng phá sản của các ngân hàng Iceland trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và điểm mấu chốt khiến Iceland và EU chưa tìm được tiếng nói chung là tỷ lệ phân chia hạn ngạch đánh bắt cá - trụ cột chính của nền kinh tế Iceland. Trên thực tế, nền kinh tế Iceland phụ thuộc rất lớn vào đánh bắt và chế biến hải sản khi ngành công nghiệp này chiếm tới 50% doanh thu ngoại tệ và thu hút 11,8% dân số làm việc. Vì vậy, nền kinh tế xứ Băng đảo sẽ bị tổn thương nếu sản lượng đánh bắt cá bị giảm sút. Đặc biệt, nghề đánh bắt cá voi, vốn là sinh kế của nhiều người và nuôi sống nhiều gia đình tại Iceland, lại là ngành nghề nằm trong diện cấm của EU.
Bế tắc trong đàm phán là nguyên nhân khiến Chính phủ trung hữu do Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson đứng đầu quyết định "đóng băng" tiến trình này kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 4-2013. Ban đầu, việc tạm dừng các cuộc đàm phán với EU đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận không nhỏ cử tri trong nước. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều người Iceland không muốn nước này gia nhập EU. Vì khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra, Iceland là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ hệ thống ngân hàng nước này đã sụp đổ ngay trong những ngày đầu. Tổng nợ ngân hàng và nợ hộ gia đình tại đảo quốc cao gấp 6 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tính đến năm 2008, số nợ trung bình của mỗi hộ gia đình Iceland lên tới 240% thu nhập. Năm 2009, GDP của Iceland giảm tới 10%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp 7 lần... Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, gia nhập EU là một trong những giải pháp đưa đất nước có số dân 320.000 người thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, với những chính sách hiệu quả, quyết liệt, chỉ 3 năm sau khi đứng bên bờ vực phá sản, hòn đảo băng giá đã phục hồi với tốc độ ấn tượng. Iceland không cần thiết phải gia nhập EU bằng mọi giá, đặc biệt trong bối cảnh "ngôi nhà chung" 28 thành viên còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ kinh tế đến những chia rẽ nội bộ.
Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron đã cảnh báo về việc nước này có thể rời khỏi EU nếu liên minh này cố tình ngăn cản xứ Sương mù trong nỗ lực hạn chế người nhập cư vào hệ thống phúc lợi xã hội của nước Anh. Nhà lãnh đạo 49 tuổi cũng cho biết, chính phủ của ông sẽ tìm cách thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không nếu đảng Bảo thủ của ông thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Thái độ của London trong thời gian vừa qua cùng với sự kiện Iceland từ bỏ tham vọng bước vào EU cho thấy liên minh Cựu lục địa đang dần mất sức hấp dẫn. Đáng lo ngại hơn, đây có thể được xem như một nguy cơ có thể dẫn đến những bước lùi tiếp theo trong quá trình nhất thể hóa mà EU từng dày công xây dựng gần 6 thập kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.