(HNM) - Hy vọng cứu sống 29 thợ mỏ bị mất tích tại mỏ than Pike River hôm 19-11 - ở độ sâu 150m dưới sườn một dãy núi trên đảo South Island của New Zealand - đang ngày càng trở nên mong manh. Theo kết quả điều tra mới nhất, khí methane sau vụ nổ xảy ra tự nhiên là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn vẫn đang cháy âm ỉ.
Lo lắng đã xuất hiện trên gương mặt người thân của các thợ mỏ mất tích tại Pike River. Ảnh: AP |
Mặc dù đã nỗ lực kiếm tìm, giải cứu các nạn nhân, nhưng đến ngày 22-11 lực lượng cứu hộ New Zealand vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của sự sống phát ra từ khu mỏ này. Trong số 29 thợ mỏ bị nạn tuổi từ 17 đến 62, có 5 người nước ngoài (2 người Australia, 2 người Anh và 1 người Nam Phi). Vụ tai nạn ập đến khi họ đang làm việc sâu dưới lòng đất 150m và cách cửa hầm 2,5km. Cuộc giải cứu trong 48 giờ qua càng trở nên khó khăn hơn khi nhà chức trách New Zealand cho biết, đội cứu hộ không thể xuống hầm mỏ vì môi trường khí độc quá đậm đặc, nguy hiểm. Tuy nhiên nhà chức trách nước này vẫn lạc quan rằng sẽ tìm thấy các thợ mỏ còn sống sót, dù có sự hiện diện của khí ga và khả năng khoan đường hầm mới gặp khó khăn.
Tai nạn hầm mỏ từ lâu không còn là chuyện lạ trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia mà tình trạng an toàn trong khai thác mỏ vẫn còn bỏ ngỏ. Trung Quốc được xem là một trong những quốc gia hàng đầu về tai nạn hầm mỏ, với 2.631 người chết trong năm ngoái. Khi số phận của 29 thợ mỏ ở New Zealand chưa rõ ràng, ngập lụt tại mỏ than Bát Điền, huyện Uy Viễn, gần thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) hôm 21-11 đã khiến 28 thợ mỏ bị mắc kẹt. Mặc dù các thợ mỏ này đã được giải cứu an toàn trong ngày 22-11, nhưng vụ tai nạn thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn tại các mỏ than ở Trung Quốc nói riêng và ở các nước có ngành công nghiệp khai thác mỏ trên thế giới nói chung.
Trở lại vụ tai nạn trên, điều khiến dư luận quan tâm là New Zealand, một trong những quốc gia có ngành công nghiệp khai thác mỏ than hiện đại với các tiêu chuẩn an toàn rất cao cùng đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản, song vẫn không thể kiểm soát được tai nạn bất ngờ. Mỏ than Pike River thuộc sở hữu của Công ty Mỏ than Pike River - một công ty liên doanh giữa Công ty Dầu khí New Zealand và hai công ty Ấn Độ Gujarat NRE Coke và Saurashtra Fuels Private Ltd. Mỏ than Pike River cũng được coi là lớn và hiện đại nhất nước với dây chuyền sản xuất lên đến 1,5 triệu tấn than thô/năm, góp phần rất lớn cung cấp than cốc được sử dụng trong ngành thép của nước này. Tuy nhiên, vấn đề an toàn khai thác mỏ tại New Zealand một lần nữa được đặt ra sau sự cố trên. Mỏ Pike River cũng từng xảy ra sự cố sập hầm thông gió trước khi đi vào hoạt động hồi cuối năm ngoái.
Vụ tai nạn hầm mỏ tại New Zealand đang khiến người ta liên tưởng tới những gì xảy ra cách đây hơn một tháng tại Chile khi 33 thợ mỏ được cứu sống an toàn sau 69 ngày ở độ sâu 700m dưới lòng đất. Đây là cuộc giải cứu dài ngày và kỳ công nhất trong lịch sử khai khoáng thế giới. Tuy nhiên, điều kỳ diệu không phải lúc nào cũng xảy ra. Trong khi chờ đợi những giải pháp kỹ thuật, mỗi quốc gia đều cần có giải pháp an toàn riêng. Trong đó, Mông Cổ là quốc gia mới đây nhất đã đình chỉ tới 1.800 trên tổng số 4.000 giấy phép khai thác mỏ trên toàn quốc trong vòng ít nhất một năm để một mặt bảo vệ môi trường; mặt khác đòi các chủ mỏ phải tăng cường độ an toàn trong quá trình khai thác.
Cũng giống ở Chile, Trung Quốc và New Zealand... nhiều thợ mỏ vì mưu sinh vẫn bất chấp mạo hiểm luôn rình rập. Dư luận quốc tế và người dân New Zealand, đặc biệt là người thân của 29 thợ mỏ đang hồi hộp hy vọng một "phép màu" như đã từng đến với 33 thợ mỏ Chile để các thợ mỏ ở Pike River được cứu sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.