Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng mới phá thế bế tắc

Trung Hiếu| 16/06/2013 06:45

(HNM) - Cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Iran (14-6) đã có kết quả bất ngờ. Theo kết quả sơ bộ được công bố sáng 15-6, ứng cử viên theo đường lối ôn hòa, ủng hộ cải cách Hassan Rohani hiện đang tạm dẫn đầu.


Bộ trưởng Nội vụ nước này Mohammad Najjar cho biết, với hơn 5,2 triệu phiếu bầu đã được kiểm trong tổng số hơn 50 triệu cử tri, ông H.Rohani giành được 52,30% số phiếu. Đứng thứ hai là Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf với 17,33% số phiếu. Vị trí thứ ba thuộc về nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili. Ba ứng cử viên còn lại có số phiếu thấp hơn rất nhiều. Trước đó, Iran đã phải kéo dài thời gian bỏ phiếu đến 23h00 ngày 14-6 (giờ địa phương) do cuộc bầu cử thu hút nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu ngoài dự đoán. Ước tính, có hơn 70% trong tổng số gần 51 triệu cử tri Iran đã tham gia bỏ phiếu.

Mong đợi của cử tri Iran về tương lai quốc gia thể hiện trong từng lá phiếu tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 14-6.


Với kết quả sơ bộ này, giáo sĩ Hassan Rohani, ứng cử viên duy nhất theo khuynh hướng cải cách, đã vượt qua 5 ứng viên bảo thủ đi theo Đại giáo chủ Allatoyah Ali Khamenei, một kết quả ngoài dự kiến của giới quan sát. Bởi trước đó, mặc dù theo Hiến pháp Iran, tất cả người dân đều có thể ra ứng cử tổng thống nhưng quyền quyết định chọn ai lại thuộc Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát bầu cử tối cao với đa số thành viên tuyệt đối trung thành với Đại Giáo chủ Ali Khamenei. Do vậy, không ngạc nhiên khi trong tổng số 686 người đăng ký tranh cử tổng thống Iran nhiệm kỳ tới, chỉ có 8 ứng cử viên được chấp thuận, trong đó 5/8 ứng cử viên đều đi theo con đường bảo thủ. Tới cuộc bỏ phiếu vừa qua, chỉ còn duy nhất một ứng viên theo đường lối cải cách lọt vào cuộc đua.

Thế nhưng bất chấp thực tế như vậy, cuộc bầu cử ở Iran đã có yếu tố bất ngờ ở thời điểm quyết định. Dư luận cho rằng, kết quả bầu cử dù là sơ bộ đã phản ánh mong muốn cháy bỏng của cử tri Iran khi quốc gia vùng Vịnh đang đối mặt với hai vấn đề lớn là kinh tế và chính sách đối ngoại. Về kinh tế, Iran đang phải vật lộn với khó khăn không chỉ bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này mà còn do sự quản lý yếu kém của chính phủ. Tỷ lệ lạm phát trong tháng đầu tiên của năm (từ 21-3 đến 20-4, theo lịch Iran) đã lên tới 29,8%; sản lượng xuất khẩu dầu năm 2012 giảm 50%, gây thiệt hại hàng tỷ USD khiến đồng nội tệ giảm giá. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 14% với hơn 1/4 số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ giảm gần 1,5% trong năm tài khóa 2013.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mỹ cùng đồng minh Châu Âu liên tục áp đặt các biện pháp nhằm siết chặt hơn nữa lệnh bao vây, phong tỏa kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo này nhằm buộc Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân đang theo đuổi. Do vậy, với cuộc bầu cử vừa diễn ra, việc Hội đồng Giám hộ gạt khỏi danh sách ứng cử viên đi ngược quan điểm của Đại giáo chủ Ali Khamenei cho thấy, Tehran vẫn quyết theo đuổi chính sách không nhượng bộ trên bàn đàm phán với phương Tây trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi. Thế nhưng kết quả cuộc bầu cử đã tạo ra bước ngoặt. Nó phản ánh mong muốn của người dân là cần một nhà lãnh đạo có uy tín, kiên định, được sự ủng hộ rộng rãi của người dân để có thể bảo vệ quyền lợi của đất nước, đồng thời xây dựng một quá trình tương tác có thể với các nước trong khu vực cũng như với các quốc gia Châu Âu, Mỹ. Người dân Iran hy vọng tổng thống mới có khả năng dẫn dắt đất nước vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay và vươn lên phát triển với những tiềm năng to lớn của đất nước. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.

Người dân Iran đang đón đợi kết quả chính thức sẽ được công bố trong tuần tới. Dù mới chỉ là kết quả sơ bộ - theo quy định, để chiến thắng ngay ở vòng một, ứng cử viên phải giành được hơn 50% phiếu bầu - nhưng phần thắng đang mỉm cười với giáo sĩ ôn hòa H.Rohani. Nếu không, Iran sẽ phải tổ chức bầu cử vòng 2 vào ngày 21-6 tới. Hy vọng một sự đổi thay để phá thế bế tắc cho quốc gia vùng Vịnh đang dấy lên không chỉ với người dân Iran mà cả cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng mới phá thế bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.