(HNM) - Với gần 90% thí sinh lần đầu tiên góp mặt, Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019 tiếp tục thắp lên những hy vọng mới cho hành trình hồi sinh nghệ thuật ca trù. Qua đó từng bước đưa di sản ra khỏi danh mục di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Niềm tin từ những nhân tố mới
Không gian cổ kính, trầm mặc của Nhà Thái học, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một ngày đầu tháng 11 như bừng tỉnh, sinh động hơn nhờ tiếng phách nảy giòn, tiếng ca ngân vang quyến luyến, lúc quyện, lúc rời rất đặc trưng của nghệ thuật ca trù.
Đây là thời điểm Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019 diễn ra, với sự góp mặt của gần 60 ca nương, kép đàn, quan viên - những thành viên không thể thiếu của một chầu hát theo đúng thể thức ca trù truyền thống.
Điều đặc biệt của liên hoan lần này là hầu hết các đơn vị tham gia đều trình làng những gương mặt ca nương, kép đàn mới, trong đó có tới 50% số thí sinh ở độ tuổi từ 5 đến 16.
Có mặt tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019, người xem khó quên được những cảm xúc dâng trào khi ca nương trẻ Nguyễn Thị Thu, đến từ Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên) cất lời ca khúc “Tang Bồng” của danh nhân Nguyễn Công Trứ. Những âm hưởng miên man, trầm bổng bay lên từ chất giọng trong trẻo, sâu lắng của ca nương 13 tuổi, nhiều người không khỏi bất ngờ.
Cũng tại liên hoan này, người yêu di sản ca trù đã được thưởng thức phần trình diễn ấn tượng khác từ ca nương 10 tuổi Nguyễn Thục Trinh, đến từ Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh).
Nguyễn Thục Trinh chia sẻ: "Nhờ sự dìu dắt của Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thị Mận, em được biết thêm nhiều thể cách cũng như dần hoàn thiện kỹ thuật hát nhả chữ, nảy hạt… Càng học em càng thấy say mê, ấp ủ ước mơ trở thành một nghệ nhân ca trù trong tương lai”.
Chìm đắm trong những thanh âm đầy cảm xúc tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019, ông Nguyễn Hữu Phương (phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa) bày tỏ: “Chứng kiến phần thể hiện của các ca nương nhí, tôi có niềm tin lớn vào sự hồi sinh của ca trù với lớp kế cận phong phú, nhiều triển vọng này”.
Thắp thêm hy vọng cho ca trù
Là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm tính dân gian, vừa uyên bác, hàn lâm trong cả lời ca, điệu nhạc, ca trù khá kén người nghe và rất gian nan trong việc tìm người hội tụ đủ điều kiện theo học. Với những đặc tính đó, di sản gặp nhiều khó khăn để hòa nhập, lan tỏa trong đời sống đương đại. Vì vậy, tháng 10-2009, UNESCO đã đưa ca trù vào danh mục di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Trước thực trạng này, thời gian qua, rất nhiều địa phương đang nắm giữ di sản trên cả nước đã chủ động, tích cực phục hồi, bảo vệ ca trù, trong đó Hà Nội được coi là điểm sáng với nỗ lực trao truyền, phát huy giá trị di sản.
Theo Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh, từ chỗ chỉ có một vài giáo phường, câu lạc bộ hoạt động lay lắt, đến nay ca trù ở Hà Nội đã có hàng chục cơ sở hoạt động thường xuyên và có nhiều nghệ nhân rất tích cực với việc truyền dạy.
Tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019, có 8 giáo phường, câu lạc bộ cử thí sinh tham gia. Trong đó, có những câu lạc bộ mới, còn nhiều khó khăn, như: Ca trù Hoa Hựu, ca trù Phú Thị, ca trù Chanh Thôn...
Song, các đơn vị đều đầu tư công phu để khôi phục những thể cách cũng như không gian diễn xướng đã bị mai một. Các đơn vị cũng kỳ công sưu tầm, khôi phục lại các thể cách ít phổ biến, trình diễn những thể cách khó, như: Giáo hương, hát thơ, múa bỏ bộ, múa bài bông… Không những vậy, nhiều đơn vị còn đầu tư sáng tác lời mới cho các thể cách ca trù, góp phần thổi sức sống mới cho những làn điệu cổ.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019 đánh giá, liên hoan lần này cho thấy Hà Nội đang có lớp nhân tố mới với vốn hiểu biết và khả năng thực hành ca trù phong phú. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Ðó cũng chính là một trong những biểu hiện về mức độ phổ biến của ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Trước những tín hiệu vui từ công tác hồi sinh ca trù trên đất Thăng Long - Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, những hoạt động như liên hoan tài năng trẻ ca trù được tổ chức định kỳ nhằm khích lệ, động viên lớp nghệ nhân nắm giữ, trao truyền di sản và giúp các địa phương học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc khôi phục ca trù. Liên hoan cũng là dịp để phát hiện thêm những gương mặt triển vọng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù, định hướng phát triển ca trù trong thời gian tới của Hà Nội, từng bước thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về công tác bảo vệ di sản văn hóa thế giới.
“Tại liên hoan lần này, các địa phương nắm giữ di sản đã đem đến những kết quả rất tốt. Ðiều đó cho thấy, ca trù thật sự đã "đổ hột phách giòn" vào đời sống đương đại bằng những bước đi chậm rãi mà chắc chắn”, bà Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.