(HNMCT) - Cửa sổ phòng làm việc của tôi trông ra hồ. Hằng ngày cứ hơn 16h là vọng lên tiếng loa tập thể dục nhịp điệu của các bà, các cô. Âm nhạc rộn rã cùng tiếng xe cộ ầm ào qua lại hòa thành “tiếng đời lăn náo nức”. Từ ngày có dịch, không khí, cảnh quan vắng lặng hẳn. Thế nhưng thi thoảng lại nghe thấy tiếng còi dân phòng thổi nhắc nhở những người vẫn tranh thủ tập thể dục, đi dạo quanh hồ.
Một chuyện nữa: Tối thứ bảy vừa rồi có việc cần giải quyết trên mạn Tây Hồ, lúc đi qua đường Thanh Niên tôi thấy khá đông “nam thanh nữ tú” đứng ngồi bên đường dạo ven hồ Tây và hồ Trúc Bạch, dù lực lượng chức năng đã căng dây (để ngăn tụ tập đông người). Đoạn cuối đường Yên Phụ chỗ gần khách sạn Thắng Lợi có mấy quán nướng, bình thường tối cuối tuần khách ngồi kín vỉa hè nhưng do đang có dịch nên người bán hàng “ý thức” hơn, chỉ bày bàn ghế trong nhà nhưng quán xá chật chội và không có tấm chắn ngăn cách. Quãng gần 21h, lúc tôi quay về thì đường Thanh Niên chật cứng người xe. Chắc là do đến giờ các quán ăn, quán cà phê phải đóng cửa theo quy định phòng dịch nên mọi người đổ ra đường, gây ra cảnh ùn ứ…
Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước đã trải qua nhiều đợt/ làn sóng dịch. Căn cứ tình hình cụ thể ở từng thời điểm mà Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Không kể đợt thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn các văn bản đều quy định người dân không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc... Có những thời điểm (chẳng hạn như hiện nay) Thành phố đã ban hành công điện yêu cầu dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời; đóng cửa các quán karaoke, quán bia, rượu; người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết…
Nhìn chung phần lớn người dân nghiêm túc chấp hành, tuy nhiên thực tế vẫn có không ít người thản nhiên phớt lờ các quy định, như hai câu chuyện trên là dẫn chứng điển hình. Và khi bị nhắc nhở hay xử phạt, họ biện minh rằng đó là “nhu cầu thiết yếu”, thậm chí có người còn oán thán, chửi mắng lực lượng chức năng!
Sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch Covid-19 đã phủ đám mây u ám trên toàn cầu, diễn biến ngày càng phức tạp, gây khó khăn, hậu quả khó lường. Tính đến ngày 12-7, toàn thế giới đã có tổng cộng 187 triệu người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, với 4,04 triệu ca tử vong. Ở nước ta, những ngày gần đây tốc độ lây nhiễm đã tăng rất nhanh, đồng thời xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới nguy hiểm. Riêng trong ngày 12-7, cả nước có tới 2.367 ca nhiễm - thiết lập “kỷ lục” về số ca nhiễm trong một ngày (ở Việt Nam). Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang ngày thứ 5 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dù chính quyền và người dân thành phố đã rất nỗ lực nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đáng nói, như các chuyên gia y tế đã cảnh báo, những biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang đặt ra những thách thách vô cùng cam go cho nhân loại, và những ngày tới sẽ là thời điểm khốc liệt của đại dịch.
Gặp gỡ, ăn uống với bạn bè hay đi dạo, rèn luyện thể dục, chơi thể thao là nhu cầu cá nhân, là thói quen của con người. Tuy nhiên, trong thời điểm đại dịch đang đe dọa đến sức khỏe, sinh mạng của rất nhiều người thì những nhu cầu, thói quen ấy không còn là chuyện cá nhân nữa bởi nó ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng.
Ở nước ta đã và đang có hàng chục, hàng trăm nghìn người phải gác lại tình cảm riêng tư, cuộc sống gia đình để căng sức, “gồng mình” trên tuyến đầu chống dịch, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, ngay cả đám tang người thân cũng không thể có mặt. Đặt trước các tấm gương hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng như thế, sẽ thấy những thói quen, nhu cầu cá nhân ấy không thể là “thiết yếu”, thậm chí là vô nghĩa, và nếu tiếp tục duy trì chúng cùng với thói coi thường kỷ cương phép nước thì thực sự là một lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm. Bởi thế, trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, mỗi người cần nâng cao trách nhiệm công dân, ý thức vì cộng đồng, biết tiết giảm nhu cầu, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để đồng hành cùng cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.