Chính trị

Cuộc cách mạng tổ chức bộ máy: Phát huy trách nhiệm cán bộ, đảng viên, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự nghiệp chung

Hà Vũ thực hiện 19/04/2025 - 16:56

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, từ kinh nghiệm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội cách đây gần 17 năm, đây là lúc chúng ta phát huy tinh thần yêu nước để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang khẩn trương lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Báo Hànộimới có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về những quyết sách lịch sử của Trung ương và việc sắp xếp đơn vị hành chính đang được tiến hành rất khẩn trương.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có tầm vóc lịch sử. Ảnh: VPG
Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có tầm vóc lịch sử. Ảnh: VPG

- Xin đồng chí chia sẻ cảm nghĩ về Hội nghị Trung ương 11 và những quyết sách quan trọng vừa qua?

- Hội nghị Trung ương 11 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, với những quyết định mang tính cách mạng về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Nghị quyết hội nghị đã ban hành với việc sắp xếp cấp tỉnh còn 34 đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện và cấp xã sắp xếp giảm từ 60-70%. Đây là bước đi chưa từng có, mở đường cho nhiều thay đổi lớn.

PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Đình Hiệp
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Đình Hiệp

- Là người nắm rất sát về tình hình thực tiễn Thủ đô Hà Nội, trong đó có gần 17 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đồng chí, việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính lần này có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi cho rằng, Hội nghị Trung ương 11 đã vượt lên tính chất của một hội nghị thông thường, khi thực hiện một sứ mệnh lớn lao vì nước, vì dân. Những quyết định này không chỉ có tầm ảnh hưởng trong ngắn hạn, mà còn định hình tương lai đất nước trong thời gian dài sắp tới.

Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng ý với Trung ương về quan điểm sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính không đơn thuần chỉ là giảm bớt đầu mối, tinh gọn bộ máy để tiết kiệm ngân sách; mặc dù đây là đòi hỏi tất yếu phải làm vì hơn 70% ngân sách Nhà nước dùng cho chi thường xuyên là quá lớn. Song, quan trọng hơn, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính mở ra không gian phát triển mới, hay nói như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, là mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước.

Trước năm 2008, Hà Nội chỉ có hơn 900km2, chiếc áo đã quá chật, không đủ không gian cho thành phố phát triển toàn diện, xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; không phải chỉ về bình diện kinh tế, mà ngay cả thế đứng, hay bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng khó khăn.

Với không gian chật chội, rất khó để triển khai các chiến lược đầu tư phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Gần 17 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, như chúng ta thấy, việc hợp nhất không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, mà còn tạo ra một tâm thế, tầm vóc và điều kiện phát triển mới cho Hà Nội. Đến nay, chúng ta đã thấy rõ sự phát triển của Hà Nội với vị thế và vai trò của mình; các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo, quốc phòng, an ninh đều có bước phát triển mới, khẳng định vị thế, đóng góp và lan tỏa, dẫn dắt cả vùng, cả nước vươn lên phát triển.

Với phương án sắp xếp còn 34 tỉnh, thành phố như trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, chúng ta thấy rất rõ ý nghĩa mở mang không gian phát triển. Những tỉnh mới có cả rừng núi và biển như ở miền Trung, Tây Nguyên chính là cơ hội cho sự phát triển toàn diện ngay trong một tỉnh.

- Nghị quyết Trung ương 11 sắp tới sẽ được thể chế hóa và đi vào cuộc sống. Khi tiến hành sắp xếp tổ chức lại các đơn vị hành chính, chúng ta nên lưu ý điều gì để bảo đảm sự đoàn kết, hòa hợp giữa các vùng văn hóa với nhau để cùng nhìn về một hướng, thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng, chúng ta phải tuyên truyền, phát huy thật tốt truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, tinh thần chiến đấu anh hùng đã làm nên cốt cách con người, dân tộc Việt Nam. Khi ai cũng tâm niệm về điều ấy thì dù ở vùng quê nào, phát triển thế nào, suy cho cùng, chúng ta vẫn chung một cái nền, chính là niềm tự hào về con người Việt Nam. Làm được như thế thì mỗi vùng quê, mỗi con người sẽ đều cùng nhau cố gắng vì cái chung, làm cho quê hương, vùng đất mình gắn bó rạng rỡ hơn, qua đó tạo nên khí thế chung cho cả nước.

- Khi sáp nhập các địa phương, một số ý kiến quan tâm việc bảo tồn, phát triển văn hóa. Kinh nghiệm thực tiễn hợp nhất Hà Nội - Hà Tây cho thấy điều gì ở góc độ này, thưa đồng chí?

- Gần 17 năm sau khi tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội, không chỉ tôi, mà có lẽ ai cũng thấy là văn hóa nói chung và bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất nói riêng không những không mất đi, mà còn giàu có thêm. Như văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, ngay cả văn hóa, bản sắc riêng của người Mê Linh hay 4 xã thuộc huyện Lương Sơn cũng không hề thui chột, mà sự tương hỗ, càng làm phong phú, đa dạng, phát triển thêm.

- Khi sắp xếp một số tên tỉnh, tên quận, huyện, phường, xã có thể không còn được sử dụng. Một số người tỏ ra tiếc nuối, có người còn coi điều ấy như thể “mất quê”. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về tâm tư này?

- Khi đặt tên thì có một số tên cũ không còn nữa, mà lại nghĩ là mất quê thì tôi cho rằng đây là suy nghĩ chưa đúng. Bởi vì, dù là miền quê nào, thì tất cả hiện thực cuộc sống, hiện thực bản sắc của tỉnh ấy, của vùng quê ấy vẫn được giữ nguyên và phát triển. Không những thế, tương lai chắc chắn là quê hương nhỏ của mỗi người và quê hương Việt Nam của chúng ta sẽ phát triển tốt đẹp hơn, giàu có, phong phú hơn.

- Ngoài sự thấu hiểu, đồng thuận, để cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy thành công, phải chăng, cần thiết có tinh thần sẵn sàng chia sẻ, hy sinh của những người liên quan, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, thưa đồng chí?

- Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì chắc chắn không tránh khỏi đụng chạm lợi ích cá nhân. Giảm đầu mối thì những người có chức vụ giảm đi nhiều, nhiều đồng chí phải về nghỉ sớm, đang ở vị trí này phải sang vị trí khác hoặc đang ở vị trí cao phải xuống vị trí thấp...

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, đây là lúc chúng ta phát huy tinh thần yêu nước để cùng làm cách mạng, vì nước, vì dân. Cho nên, theo tôi, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên phải nêu gương về tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để cùng đóng góp vào thành công của cuộc cách mạng.

Suy cho cùng, một trong những phẩm chất đặc thù, xuyên suốt của cán bộ, đảng viên chính là phẩm chất hy sinh, vì cộng đồng, xã hội, vì dân tộc, vì đất nước. Tôi nghĩ, đảng viên mà không dám hy sinh vì cái chung thì lấy đâu ra phẩm chất để phân biệt với quần chúng? Đây là lúc cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương trong cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa, tạo đồng thuận mạnh mẽ trong xã hội.

Tôi tin rằng cuộc cách mạng lần này chắc chắn sẽ thành công, tạo thế và lực mới cho đất nước phát triển đi lên.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng tổ chức bộ máy: Phát huy trách nhiệm cán bộ, đảng viên, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự nghiệp chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.