(HNM) - Thỏa thuận về khoản tài chính 78 tỷ euro (khoảng 116 tỷ USD) để giải cứu nền kinh tế Bồ Đào Nha khỏi nguy cơ vỡ nợ chưa ráo mực, các nhà làm chính sách châu Âu đã phải ngậm ngùi thừa nhận, Hy Lạp cần tới gói hỗ trợ thứ hai có quy mô tương đương sự trợ giúp lần thứ nhất để xoay sở với tình trạng bi đát chưa được giải quyết.
Khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp đang đe dọa sự ổn định của châu Âu. |
Mặc dù những nghi ngại về sức chống chịu yếu ớt của nền kinh tế Hy Lạp chưa bao giờ vợi bớt nhưng việc đất nước của các vị thần phải cần tới toa thuốc "nặng đô" thứ hai có phần nằm ngoài dự kiến của nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế ở lục địa già. Thế nhưng, khi những thông số về sức khỏe của kinh tế Hy Lạp được công bố thì dư luận không nghi ngờ gì nữa. Đã gần một năm kể từ ngày được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trợ giúp 53 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro đã được giải ngân, Hy Lạp vẫn chưa ra khỏi bóng tối. Tổng số nợ của xứ sở Thần thoại đã lên tới 340 tỷ euro, tỷ lệ nợ công trong GDP thậm chí đã tăng từ 115% một năm trước lên hơn 142% trong năm nay. Mức thâm hụt tài chính năm 2010 vẫn là 10,5%, cao hơn hứa hẹn 8% khi Hy Lạp khẩn khoản yêu cầu được trợ giúp. Như thế cũng có nghĩa là dự đoán Athens chỉ có thể thực hiện được mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2015 nếu mọi việc thông đồng bén giọt là hoàn toàn có cơ sở. Nỗi lo sợ về nguy cơ phá sản tại quốc gia Nam Âu càng lộ rõ khi hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) hạ xếp hạng nợ ngắn hạn của Hy Lạp từ B xuống C và nợ dài hạn từ BB - xuống B, mức thấp nhất trong các nước châu Âu và chỉ trên một bậc so với Pakistan. Sự hoang mang lập tức loang nhanh. Các nhà đầu tư đồng loạt rút vốn khỏi thị trường trái phiếu Hy Lạp nhiều lợi nhuận nhưng cũng lắm rủi ro để tìm kiếm sự an toàn ở trái phiếu Đức khiến đồng euro rớt xuống mức thấp nhất trong ba tuần so với đồng USD.
Giữa lúc xứ sở Thần thoại chưa ra khỏi trạng thái "hôn mê" ban đầu đã có nhiều lời đồn đại rằng tình cảnh của Athens đang vô phương cứu chữa thì một câu hỏi cũ trở lại. Liệu Hy Lạp có rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không? Vấn đề này từng được đề cập ngay khi đất nước gần 11 triệu dân bị trói chân trong nợ nần với đề xuất tạm thời rút lui và sẽ trở lại sau khi đã ổn định được tình hình tài chính. Lập luận của những người ủng hộ kế hoãn binh bị lãnh đạo châu Âu kịch liệt phản đối là kể từ khi gia nhập Eurozone vào năm 2001, tính cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp đã giảm và thâm hụt thương mại ngày một lên cao. Vì thế, nếu có một đồng nội tệ, Athens sẽ thực thi được giải pháp đồng tiền yếu để thúc đẩy sức cạnh tranh.
Thế nhưng, với phần còn lại của châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc ký lệnh khai tử cho Eurozone, biểu tượng quan trọng cho một châu Âu nhất thể và thịnh vượng. Để Hy Lạp ra đi cũng là tạo tiền lệ cho những thành viên kế tiếp trong tương lai. Không chỉ uy tín của Lục địa già mà giá trị của đồng euro cũng có thể sẽ rơi tự do. Điều này có ý nghĩa sống còn đối với túi tiền của những người dân châu Âu mặc dù thực tế, nếu Hy Lạp sử dụng đồng nội tệ, tỷ giá của loại tiền này sẽ tổn thất tới 50% và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên tới 200% GDP. Trong trường hợp đó, con đường ngắn nhất đưa Athens tới vực thẳm phá sản đã được mở ra, những khoản nợ công nước này sẽ một đi không trở lại và nghiễm nhiên được chuyển toàn bộ cho những người đóng thuế của các nước thành viên Eurozone.
Để tránh viễn cảnh u ám đó, châu Âu đang tìm mọi cách trấn an lòng tin của giới tài chính khi những tin đồn về khả năng Hy Lạp phải tái cơ cấu nợ, biện pháp khiến nước này có thể sẽ rơi vào bẫy phá sản, đang lan truyền rất nhanh. Hiện các điều khoản trong gói giải cứu cho Hy Lạp đang được nới lỏng nhằm đưa Athens khỏi quỹ đạo đang chờ sẵn. Thế nhưng đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Phía sau “toa thuốc” nặng đô này vẫn là câu chuyện dài của Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung để thoát khỏi bóng đêm suy thoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.