(HNMO) - Những ngày qua, trên một số tuyến phố tại Hà Nội như: Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Tố Hữu... xuất hiện các điểm bán hàng với băng rôn "Chung tay giải cứu trứng gà, vịt cho bà con nông dân" ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Trứng gà giải cứu được bán với giá 65.000 đồng/30 quả và trứng vịt 75.000 đồng/30 quả.
Không có chuyện “giải cứu”
Trước những thông tin này, người chăn nuôi tại xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) đã lên tiếng, không có chuyện người chăn nuôi ở đây kêu gọi "giải cứu" trứng gà.
Ngày 21-2, khảo sát thực tế tại các trang trại, cơ sở sản xuất trứng tại xã Liên Châu cho thấy, các trang trại đang sản xuất bình thường, giá bán và thị trường đều ổn định.
Ông Đào Quang Vỹ, chủ trang trại sản xuất trứng gà tại xã Liên Châu thông tin: Trang trại đang chăn nuôi khoảng 20 nghìn con gà đẻ, trung bình mỗi ngày cho ra 18 nghìn quả trứng thương phẩm. Kênh tiêu thụ chủ yếu là qua các thương lái. “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trang trại vẫn bán đều cho các thương lái, họ tới tận đây thu mua nên không có chuyện tồn trứng cần giải cứu”, ông Vỹ khẳng định.
Tương tự, tại cơ sở chuyên thu gom, bán buôn trứng gà, vịt của hộ bà Quách Thị Yến ở xã Liên Châu, thương lái vẫn đến thu mua bình thường, có thời điểm còn khá tấp nập. Trung bình mỗi ngày, cơ sở xuất bán ra thị trường hơn 10.000 quả trứng gà, vịt, trong đó có 30 mối bán lẻ tại các quận và đều thông qua thương lái.
Theo các chủ trang trại và cơ sở sản xuất, hiện nay, giá trứng gà xuất buôn cho các tiểu thương tại đây với giá 2.400 - 2.500 đồng/quả. Thực tế hiện nay, trứng gà, vịt ở xã Liên Châu không đủ để bán và giá có xu hướng tăng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu Lê Văn Hiếu cho biết, xã Liên Châu có thôn Châu Mai chuyên nuôi gà, vịt đẻ và ấp trứng với 160 hộ sản xuất. Hiện, toàn thôn có tổng đàn 256 nghìn con gà, vịt đẻ; sản lượng khoảng 200 nghìn quả trứng/ngày. Năm 2017, sản phẩm trứng vịt Châu Mai đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể. Năm 2020, sản phẩm trứng vịt của một số hộ được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận sản phẩm 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2022, có thêm 2 sản phẩm là trứng gà đỏ và trứng gà trắng của địa phương được chứng nhận OCOP 3 sao. UBND xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện thẩm định đề nghị thành phố công nhận Châu Mai là làng nghề truyền thống.
“Sản phẩm trứng Liên Châu nhiều năm nay luôn ổn định đầu ra, nên không có chuyện trứng tồn, ế trứng phải “giải cứu”. Sản phẩm trứng được bày bán trên các tuyến phố Hà Nội với băng rôn "Chung tay giải cứu trứng gà, vịt cho bà con nông dân" ở xã Liên Châu không phải là trứng gà Liên Châu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu trứng Liên Châu của địa phương”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cần làm rõ thông tin
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định, thông tin "giải cứu trứng gà, vịt cho người dân xã Liên Châu" là không đúng sự thật. Huyện Thanh Oai hoàn toàn không có nhu cầu “giải cứu” trứng gà, vịt.
"Ngay sau khi có thông tin trên, huyện Thanh Oai đã chỉ đạo xã Liên Châu vào cuộc kiểm tra, huy động các đoàn thể xác minh thông tin “giải cứu” trứng. Kết quả cho thấy, các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn xuất bán hằng ngày cho các đầu mối tiêu thụ bình thường, không có nhu cầu “giải cứu” hay hỗ trợ tiêu thụ”, ông Sáng cho biết thêm.
Phân tích về việc kêu gọi "giải cứu" sản phẩm nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, hiện tượng trứng gà bán tràn lan tại vỉa hè Hà Nội thời gian gần đây dưới danh nghĩa "giải cứu" là chiêu trò của các thương lái. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nắm bắt từ các trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, tình hình sản xuất và tiêu thụ vẫn tốt. Sản phẩm trứng được giao cho các đầu mối lớn, siêu thị và các chuỗi cung ứng, chưa đến mức dư thừa phải kêu gọi "giải cứu". Đến nay, cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác số trứng này đến từ những trang trại nào.
Ông Nguyễn Thanh Sơn băn khoăn, điều mà người chăn nuôi lo ngại nhất hiện nay là có thể trứng gà, vịt nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm chất lượng đang được các thương lái nhập, bày bán, trưng băng rôn “giải cứu”, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm của những cơ sở chăn nuôi quy mô, chất lượng tốt.
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng kiến nghị cơ quan quản lý thị trường sớm vào cuộc để kiểm tra, xác minh tình trạng này để bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm bảo đảm chất lượng, đặc biệt là không gây bất ổn thị trường đối với sản phẩm trứng gà, vịt nói riêng và sản phẩm nông sản nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.