Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Sóc Sơn: Tái diễn lò gạch không phép

Ánh Dương| 14/03/2017 06:57

(HNM) - Từ gần cuối năm 2016, huyện Sóc Sơn đã xử lý cưỡng chế tháo dỡ đối với nhiều lò gạch, đồng thời ban hành quyết định yêu cầu 57 lò gạch phải tự phá dỡ, khắc phục hậu quả trước ngày 31-10-2016...


Cũ chưa dỡ, mới đã mọc lên


Theo tìm hiểu được biết, trong tháng 3 và 4-2016, huyện Sóc Sơn có kế hoạch xử lý 4 lò gạch vi phạm mới phát sinh từ quý II-2015, gồm 1 lò ở xã Đức Hòa, 3 lò ở xã Bắc Phú.

Các hạng mục lò gạch vi phạm của HTX Đại Thắng (xã Bắc Phú).


Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố về kiểm tra, rà soát, báo cáo hoạt động của các lò gạch nung và thực hiện lộ trình xử lý lò gạch nung (lò cải tiến, lò vòng), ngày 9-11-2016, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 1828/UBND-TTXD, về việc tạm dừng xử lý lò gạch nung trên địa bàn huyện, giao Đội Thanh tra xây dựng và UBND các xã tăng cường kiểm tra, tham mưu, đôn đốc tổ chức xử lý các trường hợp vi phạm mới, tái phạm về xây dựng lò gạch; yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất gạch giữ nguyên hiện trạng hoạt động, không phát sinh khối lượng xây dựng, quy mô đầu tư, có phương án chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, lao động và các điều kiện khác... Theo đó, UBND các xã có các trường hợp xây dựng lò gạch không phép, lò gạch nung, cải tiến cũng đã ra thông báo, yêu cầu các chủ lò gạch phải giữ nguyên trạng, không phát sinh vi phạm mới.

Nhưng hiện nay, tại xã Bắc Phú, nơi có 3 trường hợp vi phạm trước đó được UBND huyện chỉ đạo xử lý dứt điểm, thì nay đều rầm rộ tái sản xuất. Trên địa bàn thôn Yên Tàng, từ tháng 11-2016 đến tháng 1-2017, HTX Đức Hạnh đã xây dựng lò gạch mới và phần mái che lò, nhà phơ có diện tích gần 5.000m2. Tại thôn Phú Tàng, lò gạch của Công ty CP Bắc Vọng dù trước đó đã tháo dỡ một phần công trình vi phạm, nhưng nay đã xây mới một số hạng mục phụ trợ để đưa lò hoạt động trở lại. Riêng HTX Đại Thắng, mặc dù trước đó công trình cũ chưa tháo dỡ, yêu cầu giữ nguyên trạng nhưng vẫn cố tình xây thêm nhiều hạng mục mới...

Lỗi tại văn bản?

Lý giải về tình trạng này, ông Lê Minh Xuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Phú cho rằng: "Nếu thành phố và Sở Xây dựng vẫn chỉ đạo xã, huyện xử lý dứt điểm, thì các trường hợp này sẽ không có cơ hội tái phạm. Nhưng do việc tạm dừng xử lý từ tháng 11-2016, trong khi xã không thể có đủ lực lượng túc trực 24/24 giờ hằng ngày để theo dõi, phát hiện và xử lý ngay...". Ông Lê Minh Xuân cũng đưa ra một loạt biên bản, quyết định xử phạt được lập từ tháng 11-2016 đến cuối tháng 1-2017, nhưng các chủ lò đều không chấp hành.

Sở dĩ ông Chủ tịch UBND xã Bắc Phú đưa ra lý do trên là bởi căn cứ theo Công văn số 9766/SXD-KHTH ngày 28-10-2016 của Sở Xây dựng đề nghị huyện Sóc Sơn: "Rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn huyện, báo cáo UBND thành phố;... UBND huyện cần giữ nguyên hiện trạng và hoạt động các lò gạch của các cơ sở nêu trên" (những lò vòng ở xã Đức Hòa, Bắc Phú - PV). Sau đó, ngày 30-11-2016, trong Báo cáo số 388/BC-SXD, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện xử lý các lò gạch trước đó đã được tháo dỡ một phần của HTX Đại Thắng và Công ty CP Bắc Vọng, còn lò gạch của HTX Đức Hạnh lại được đề nghị cho phép tồn tại đến năm 2020, và lò gạch của Công ty Đức Hòa được đề nghị làm các thủ tục cải tạo chuyển đổi lò vòng sang lò tuynel.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, việc duy trì nguyên trạng gặp nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2016 đến tháng 2-2017, huyện đã có nhiều văn bản đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn xử lý theo lộ trình, để huyện tổ chức thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân... Về phía chủ lò, ông Trần Văn Đạo, đại diện HTX Đại Thắng cho rằng: "Thành phố nên xử lý công bằng giữa các trường hợp, vì không có lý do gì khi các doanh nghiệp cùng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng lò gạch có công nghệ tương tự nhau, trong điều kiện như nhau mà lò được tồn tại, lò phải tháo dỡ”. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các chủ lò chây ỳ chuyện tháo dỡ, thậm chí các chủ lò tại xã Bắc Phú còn đưa lò gạch hoạt động trở lại với công suất 5-7 triệu viên/ngày.

Như vậy, với sự chỉ đạo, điều hành thiếu rõ ràng từ cấp sở đã khiến cho các lò gạch "thừa cơ" tái hoạt động ở những nơi không nằm trong vùng quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng, gần khu dân cư, gây thêm nỗi lo về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Không những thế, việc không sớm xử lý dứt điểm cũng sẽ khiến cho tình trạng tái phạm càng trở nên phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn: Tái diễn lò gạch không phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.